Doanh nghiệp châu Âu lao đao trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
VOV.VN - Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các công ty Châu Âu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News được phát sóng hôm qua (19/5 – theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng các mức thuế cao mà chính quyền Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang khiến nhiều công ty chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để đến Việt Nam và các nước châu Á khác. Ông cũng nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa Mỹ với Trung Quốc không thể là một thỏa thuận theo kiểu 50-50 mà phải là thỏa thuận thật tốt.
Ảnh minh họa: Getty. |
“Tôi đã nói rồi, đây sẽ không thể là thỏa thuận theo kiểu 50-50 mà phải là một thỏa thuận thực sự. Xét trên tình thế của Trung Quốc, căng thẳng thương mại sẽ không tốt cho họ chút nào vì nhiều công ty đang phải trả thuế đang có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á khác. Trung Quốc rõ ràng không hoạt động tốt như chúng tôi. Kể từ khi tôi nhậm chức Tổng thống Mỹ, tôi đã mang về cho nước Mỹ 10.000 tỷ USD trong khi Trung Quốc mất đi 10.000 tỷ USD. Đó là một thiệt hại lớn”, ông Trump nói.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại thứ 11 kéo dài hai ngày tại thủ đô Washington mới đây đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cụ thể nào và hai bên đang lên kế hoạch cho vòng đàm phán mới, dự kiến diễn ra vào tháng 6/2019.
Trung Quốc chưa có phản ứng gì sau tuyên bố mới nhất của ông chủ Nhà Trắng song trước đó ít ngày, giới chức Trung Quốc cảnh báo rằng, việc nối lại đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Mỹ không thay đổi quan điểm.
Trong một tuyên bố đưa ra trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 18/5 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phàn nàn rằng các phát ngôn và hành động gần đây của Mỹ đã làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và các doanh nghiệp của nước này. Ông đồng thời yêu cầu Mỹ kiềm chế và không nên đi quá xa trong tranh chấp thương mại hiện tại giữa hai nước. Theo lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Trung Quốc vẫn muốn giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng, nhưng sự thương lượng này phải công bằng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh: “Về mặt nguyên tắc, Trung Quốc luôn khuyến khích giải quyết căng thẳng giữa hai nước thông qua đối thoại và tham vấn, cho dù là tranh chấp thương mại hay bất cứ tranh chấp nào khác. Nguyên tắc này sẽ được chúng tôi áp dụng để giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ - Trung”.
Chưa biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rồi sẽ đi về đâu nhưng một thực tế có thể thấy là cuộc chiến này đang gây tổn hại không chỉ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc mà còn gây tổn hại cho cả kinh tế và các doanh nghiệp thế giới, trong đó có các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc.
Theo một cuộc điều tra do Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc công bố hôm nay (20/5), xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không mang lại lợi ích gì cho các công ty châu Âu mà ngược lại còn khiến các doanh nghiệp châu Âu bị mắc kẹt trong cuộc chiến này. Mặc dù nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 vừa qua, với hơn 585 doanh nghiệp vào thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có dấu hiệu giảm nhiệt song có rất ít doanh nghiệp châu Âu bày tỏ lạc quan về tương lai của doanh nghiệp khi hoạt động tại Trung Quốc.
Khoảng 45% doanh nghiệp khi được hỏi đã nói rằng, họ lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực mà họ hoạt động trong vòng 2 năm tới, giảm mạnh so với mức 62% của cuộc điều tra năm 2018. Trong khi có 53% số doanh nghiệp đã nói rằng, doanh nghiệp của họ đang hoạt động khó khăn hơn. Một nửa số doanh nghiệp châu Âu được hỏi cũng cho biết, họ không hy vọng sẽ có một sân chơi bình đẳng tại thị trường Trung Quốc trong vòng 5-7 năm tới./.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc tăng nhiệt: Châu Á lo hay mừng?