Độc tố polonium - công cụ đắc lực của sát thủ

(VOV) - Đối với các sát thủ chuyên nghiệp, đây là một trong các vũ khí lợi hại được ưa thích.

Polonium lần đầu tiên thu hút báo giới vào năm 2006 khi xảy ra vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Alexander Litvinenko ở London. Việc các nhà khoa học gần đây phát hiện chất phóng xạ cực độc này lưu trên đồ đạc cá nhân của cố Tổng thống Arafat đã làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng ông Arafat bị đầu độc cũng như thu hút sự quan tâm của công chúng đối với độc tố ít được biết đến này.

Vậy polonium là gì?

Đồng vị polonium-210 là một trong những nguyên tố hiếm nhất trên thế giới, được các nhà khoa học Marie và Pierre Curie phát hiện ra năm 1898. Trong tự nhiên, nó chỉ xuất hiện với độ đậm đặc rất thấp trong vỏ Trái đất và có thể được tạo ra theo phương pháp nhân tạo trong lò phản ứng hạt nhân. Với số lượng nhỏ, chất này được dùng hợp pháp trong công nghiệp, chủ yếu là ở các thiết bị loại bỏ tĩnh điện.

Siêu độc tố

Chỉ một liều cực nhỏ polonium cũng đủ làm chết người. Chưa đến 1 gam chất bột màu bạc này là đủ gây chết người.

Một nghiên cứu năm 2007 do các chuyên gia phóng xạ của Anh tiến hành chỉ ra rằng một khi polonium-210 lắng đọng trong mạch máu thì gần như không còn khả năng ngăn chặn các tác dụng cực mạnh của nó.

Sơ đồ chuyển hóa polonium-210 trong cơ thể sau khi được nuốt hoặc hít (Ảnh: Internet)
 

Nạn nhân bị đầu độc sẽ bị suy đồng loạt các cơ quan nội tạng khi các hạt phóng xạ alpha bắn phá gan, thận, và tủy xương từ bên trong. Triệu chứng điển hình là nôn mửa, rụng tóc, đau họng, và da tái nhợt.

Vũ khí ám sát lý tưởng

Do các hạt alpha lớn bức xạ của polonium không đi qua da và và không bị máy dò phóng xạ phát hiện, nên chất này dễ dàng được buôn lậu qua biên giới. Polonium có thể hấp thụ qua vết thương hoặc hít thở, nhưng biện pháp chắc chắn nhất là để cho nạn nhân ăn hoặc uống chất này vào. Điệp viên Litvinenko từng uống trà có pha polonium trong một cuộc họp tại một khách sạn London sang trọng.

Do các vụ đầu độc bằng polonium tương đối hiếm nên các bác sĩ phải mất hàng tuần để chẩn đoán bệnh tình của Litvinenko, trong khi các chuyên gia an ninh phải vắt óc ra mới nghĩ được đến một trường hợp tương tự trước đó. Năm năm sau cái chết của Litvinenko, chưa có ai bị bắt. Công tố viên của Anh coi cựu điệp viên KGB Andrei Lugovoi là nghi can số 1 nhưng phía Nga từ chối trao ông này cho phía Anh.

Một số người đưa ra giả thuyết chính con gái của vợ chồng Curie là Irene, đã chết vì bệnh máu trắng, có thể mắc căn bệnh nan y này do vô tình tiếp xúc với chất polonium trong phòng thí nghiệm.

Michal Karpin, một tác giả người Israel, mới đây tuyên bố một số nhà khoa học Israel chết vì ung thư là do sự rò rỉ chất này ở Viện Khoa học Weizmann năm 1957.

Đối tượng sở hữu

Rất may, chỉ rất ít người có được chất phóng xạ polonium. Nguyên tố này có thể tạo ra trong quá trình hóa học của uranium, nhưng thường thì được tạo ra trong lò phản ứng hạt nhân hay máy gia tốc hạt. Các thiết bị hạt nhân này đều được giám sát và quản lý chặt chẽ dưới các thỏa thuận quốc tế.

John Croft, một chuyên gia phóng xạ người Anh đã nghỉ hưu từng nghiên cứu trường hợp Litvinenko, cho biết, một liều polonium đủ để giết người chỉ có thể được cung cấp đến từ một chính phủ có đủ khả năng hạt nhân dân sự hoặc quân sự. Nhóm chính phủ đó, theo Croft, gồm có Nga và Israel. Ngoài ra còn có hàng chục quốc gia khác nữa, trong đó có Mỹ.

Theo các nhà khoa học, đối với trường hợp Tổng thống Arafat, rất cần khai quật thi thể để xác định liệu có polonium trong cơ thể ông khi chết. Tám năm đã qua kể từ khi ông Arafat qua đời, lượng polonium trong người ông (nếu có) và tính bức xạ của nó đã giảm đi rất nhiều so với thời điểm 2004. Tất nhiên lượng polonium phát hiện trên trang phục của Arafat vẫn là lớn hơn gấp nhiều lần so với mức thông thường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên