Động cơ quan trọng nhất thúc đẩy Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác
VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan vừa có cuộc hội đàm tại thành phố Sochi (Nga). Có ý kiến đánh giá cho rằng, sự lấn át của phương Tây là một trong những động cơ quan trọng nhất cho sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hợp tác giải quyết vấn đề Syria
Tại cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tuyên bố rằng, các bước đi chung của hai nước ở Syria có tầm quan trọng lớn. Hòa bình ở khu vực này phụ thuộc vào quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới chuyên gia, đối với bản thân Thổ Nhĩ Kỳ, Syria được coi là vấn đề chính trong quan hệ với Nga, vì Idlib và khu vực người Kurd nằm ngay tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tức là có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Nga mặc dù có tính đến các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở đó, nhưng vẫn quyết tâm khôi phục tình trạng nhà nước chính thức của Syria, nghĩa là trả lại toàn bộ lãnh thổ Syria dưới sự kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trước cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 13/9, Tổng thống Nga V.Putin đã tiếp Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Moscow. Trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng các quân nhân nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ Syria mà không có sự trừng phạt của Liên Hợp Quốc và lời mời chính thức của Damascus là bất hợp pháp, và đây là "vấn đề chính của Syria". Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Idlib mà không đáp ứng các điều kiện trên.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống V.Putin và Tổng thống Erdogan, các nguồn tin quân sự Syria thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu rút quân khỏi Idlib. Cụ thể, có thông tin cho rằng xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã rời khỏi khu vực Idlib nằm ở phía nam đường cao tốc M4, mặc dù sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực đường cao tốc M4 vẫn còn. Trước đó, quân đội Syria thông báo, trong tuần này quân đội các nước Syria, Iran và Nga có ý định tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lại các phần tử khủng bố ở Idlib. Dường như phía Nga có ý định nghiêm túc giúp quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát ít nhất là khu vực Idlib nằm ở phía nam đường cao tốc M4.
Hợp tác của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không chỉ về hòa bình, mà còn tái thiết đất nước này sau chiến tranh. Chuyên gia cho rằng sẽ tốt hơn cho tất cả nếu họ làm được, “nếu không cùng nhau, thì chắc chắn không chống lại nhau”.
Kiểm soát các bất đồng
Trong phần phát biểu mở đầu cuộc hội đàm vừa diễn ra ở Sochi với Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Erdogan, Tổng thống Nga Putin đã lưu ý rằng các cuộc đàm phán đôi khi rất khó khăn, nhưng có kết quả cuối cùng khả quan. Các bộ ngành hai nước đã học cách tìm ra những thỏa hiệp có lợi cho cả hai bên.
Giới phân tích cho rằng mỗi năm hai nhà lãnh đạo đề cập đến một loạt các vấn đề mà không thể giảm nhẹ thành "hợp tác" hay "xung đột" một chiều. Ankara đang ngày càng cố gắng củng cố vị thế của mình ở Trung Á, chẳng hạn như hỗ trợ Azerbaijan trong giải quyết căng thẳng leo thang ở Nagorno-Karabakh hồi năm ngoái. Nhưng với sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng mình, cuối cùng việc kiểm soát đường dây liên lạc giữa Armenia và Azerbaijan ở Karabakh do Nga thực hiện, với sự tham gia mang tính biểu tượng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Crimea là chủ đề nhạy cảm đối với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên các quy tắc quốc tế không công nhận vùng lãnh thổ này là của Nga và luôn tuyên bố coi trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nhưng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ về kinh tế thương mại. Tuần trước, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử đại biểu Duma quốc gia Nga ở Crimea, thì ngay sau đó Cơ quan kiểm soát Nông nghiệp Nga tuyên bố phát hiện virus gây bệnh trong cà chua của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến mặt hàng này không được nhập khẩu vào Nga.
Trước đây, sau vụ máy bay Nga bị bắn hạ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và khách du lịch đến nước này gây ra những thiệt hại nặng cho kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara nhận thức được vấn đề bình thường hóa quan hệ. Thực tế cho thấy, trong những tình huống tưởng như sẽ xảy ra đối đầu gay gắt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lãnh đạo hai nước vẫn có thể tìm được một thỏa hiệp, sau đó làm dịu đi những khác biệt.
Thổ Nhĩ Kỳ chọn Nga hay NATO?
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một thành viên NATO, nhưng mâu thuẫn của họ với Mỹ và châu Âu ngày càng gia tăng, trong đó có việc Ankara triển khai tàu tới thăm dò dầu khí và các tàu chiến tới khu vực Đông Địa Trung Hải, nơi nước này đang tranh chấp chủ quyền cùng hai quốc gia thành viên của EU là Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp. Một ngày trước cuộc gặp giữa các Tổng thống Erdogan và Putin, Pháp và Hy Lạp thành lập một liên minh chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga nhằm chứng minh với Mỹ rằng nước này không còn là kẻ thừa hành trước đây nữa, mà là một đồng minh với tiềm lực gia tăng và trò chơi địa chính trị phải được tính đến. Hơn nữa, các chủ đề chính sách đối ngoại của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hiện không chỉ giới hạn ở Syria và Karabakh, mà còn có Afghanistan.
Các cuộc bầu cử sẽ sớm được tổ chức ở Libya - nơi Nga đã đặt cược vào các đối thủ khác nhau, đồng thời cũng quan tâm đến việc kết thúc chia cắt và khôi phục tình trạng nhà nước của Libya. Để khôi phục Libya cần sự giúp đỡ của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - các nước luôn là đối tác thân thiết của Tripoli. Nga muốn đảm bảo rằng, một Libya thống nhất không nằm dưới ảnh hưởng của phương Tây.
Trên thực tế, sự lấn át của phương Tây là một trong những động cơ quan trọng nhất cho sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Với 18 năm cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và tích cực thúc đẩy lợi ích của mình trên toàn thế giới, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cho thấy, họ biết cách tách những mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia của hai bên ra khỏi sự thao túng của nhân tố khác. Cả hai từ lâu đã đẩy phương Tây khỏi tư duy địa chính trị và các chính sách của họ, căn cứ vào sự hiểu biết riêng về lợi ích quốc gia./.