Đồng minh hoan nghênh chiến lược quốc phòng mới của Mỹ

Chiến lược quốc phòng Mỹ sẽ thúc đẩy lợi ích kinh tế và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.  

Tăng cường sự hiện diện tại châu Á trong bối cảnh ngân sách bị cắt giảm là chi tiết nổi bật trong chiến lược quốc phòng mới được Tổng thống Mỹ Barak Obama công bố ngày 5/1. Các đồng minh thân cận của Mỹ là NATO, Hàn Quốc, Australia đã hoan nghênh bản chiến lược quốc phòng này.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barak Obama tuyên bố bản chiến lược quốc phòng mới ngày 5/1, Tổng Thư ký NATO Rasmussen, một đồng minh thân cận của Mỹ đã bày tỏ thái độ hoan nghênh, đồng thời nhấn mạnh chiến lược của Mỹ vẫn tăng cường đầu tư cho NATO. Ông Rasmussen cho rằng, trong diễn biến tình hình thế giới không thể đoán trước, quan hệ đồng minh chiến lược thúc đẩy an ninh là yếu tố quan trọng.

Mỹ tìm cách duy trì hiện diện hiệu quả và tiết kiệm ở châu Á (Ảnh: AFP)

Còn từ thủ đô Seoul, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Lim Kwan Bin nói rằng, Hàn Quốc tin tưởng, chiến lược quốc phòng Mỹ sẽ giúp thúc đẩy lợi ích kinh tế và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi đặt khu vực này vào ưu tiên hàng đầu.

“Chúng tôi ủng hộ bản chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Bản chiến lược đã công nhận Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ đóng vài trò cốt lõi trong vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy sự hợp tác an ninh giữa các nước”.

Theo các chuyên gia, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ mang tính thực tiễn vì được hình thành từ bài học rút ra từ nhiều cuộc chiến mà Mỹ tham gia trong những năm qua. Tình hình thế giới đã biến chuyển và Mỹ sẽ phải cẩn trọng trong mỗi bước đi của mình.

Ông John Blaxland từ Trung tâm Chiến lược và Quốc phòng của trường Đại học Quốc gia Australia nói: “Sự thay đổi chính sách quốc phòng cho thấy sự thắt chặt quân số và tài chính của lực lượng Mỹ, nhưng điều này là cần thiết. Chúng ta chứng kiến cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan trong 10 năm qua và vẫn còn những điều phải nói sau khi Mỹ rút quân. Mỹ thay đổi chiến lực quân sự là điều quan trọng với bản thân nước Mỹ và các nước đồng minh. Mỹ vẫn chú trọng quan hệ với các đồng minh và với Australia. Điều này cũng quan trọng cho những kế hoạch triển khai quân sự của Australia”.

Trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh hai định hướng chiến lược là gia tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tiếp tục đầu tư cho các đối tác và liên minh quan trọng NATO. Bên cạnh trọng tâm châu Á, Mỹ cũng sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại Trung Đông nhằm bảo đảm an ninh tại Vùng Vịnh và "đối phó với những chính sách gây mất ổn định của Iran".

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ sẽ định hướng cho hoạt động quân sự nước này trong thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", khi chính quyền của Tổng thống Obama chuẩn bị cắt khoảng 450 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong  10 năm tới. Trước những khó khăn kinh tế, Mỹ sẽ tinh gọn quân đội, nhưng vẫn duy trì ưu thế vượt trội và sẵn sàng đương đầu với những đe dọa và tình huống bất ngờ.

Sự quan tâm của chính quyền Mỹ tới châu Á được cho là do những quan ngại về sự lớn mạnh của hải quân và sự gia tăng hàng loạt các tên lửa chống hạm của Trung Quốc, có khả năng đe dọa sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng chiến lược quốc phòng Tổng thống Obama công bố là một điều được đoán trước, khi cuộc bầu cử Tổng thống đến gần và ông Obama với nỗ lực tái đắc cử sẽ tìm biện pháp lấy lòng cử tri./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên