Động thái của Ba Lan khiến quan hệ với Nga gia tăng căng thẳng
VOV.VN - Hôm qua (27/5), Ba Lan đã công bố chi tiết chương trình Lá chắn phía Đông - sáng kiến phòng thủ biên giới lớn nhất kể từ năm 1945 nhằm tăng cường an ninh biên giới phía Đông của nước này, cũng là sườn phía Đông của NATO.
Động thái được dự đoán sẽ khiến quan hệ Nga – Ba Lan gia tăng căng thẳng, đồng thời cũng khiến cho quan hệ Nga - NATO xấu hơn.
Theo các quan chức Ba Lan, chương trình Lá chắn phía Đông bao gồm kế hoạch xây dựng các công sự, các loại rào chắn khác nhau và hệ thống hiện đại giám sát không phận ở mọi cấp độ. Lá chắn phía Đông sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập, tạo thuận lợi cho hoạt động di chuyển của quân đội Ba Lan và bảo vệ dân thường. Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nhấn mạnh, đây là kế hoạch mang tính chiến lược đối với chính phủ và an ninh của Ba Lan.
“Chương trình răn đe và phòng thủ quốc gia “Lá chắn phía Đông” là hoạt động lớn nhất nhằm củng cố biên giới phía đông của Ba Lan, cũng là sườn phía đông của NATO, kể từ năm 1945. Đó là lý do tại sao Ba Lan cần một kế hoạch cơ sở hạ tầng dài hạn, bao gồm các công sự, các loại rào cản khác nhau, các hệ thống hiện đại để giám sát không phận ở bất kỳ thông số nào, ở bất kỳ độ cao nào", ông Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nói.
Ba Lan đặt mục tiêu hoàn thiện xây dựng vành đai phòng thủ vào năm 2028 với chi phí ước tính khoảng 10 tỷ zloty (hơn 2,55 tỷ USD). Ngoài vốn từ ngân sách nhà nước, Ba Lan cũng đang tìm kiếm hỗ trợ thêm từ Liên minh châu Âu (EU) do chương trình này là một phần cơ sở hạ tầng phòng thủ khu vực được xây dựng cùng với các quốc gia Baltic gồm Latvia, Litva và Estonia, cũng nằm ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiện Ba Lan là quốc gia thứ 2 trong khu vực Đông Âu và vùng Baltic thông báo củng cố hệ thống phòng thủ nhằm đối phó với các cuộc tấn công từ bên ngoài, đặc biệt là từ phía Nga. Trước đó, hồi đầu năm nay, Estonia cũng tuyên bố có kế hoạch xây dựng 600 boong-ke với chi phí 65 triệu USD nằm dọc biên giới dài 455km chung với Nga theo dự án mang tên “Tuyến phòng thủ Baltic” nhằm “ngăn chặn nguy cơ bị Nga tấn công”.
Việc các nước láng giềng của Nga đang nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ sát biên giới cho thấy những dấu hiệu cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và các nước phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lớn hơn với Nga.
Hôm qua, Nga đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày cho rằng quân đội Ukraine có quyền chủ động sử dụng các vũ khí phương Tây để tấn công trước các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga và gọi đây là những hành động khiêu khích nghiêm trọng.
Hôm nay (28/5), Tướng Vladimir Kulishov, người đứng đầu cơ quan biên phòng trực thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) nhận định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lên kịch bản về các hoạt động chiến đấu đối đầu trực tiếp với Nga, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh, những tuyên bố cho rằng Nga sẽ tấn công châu Âu sau khi giành chiến thắng ở Ukraine là hoàn toàn vô nghĩa. Ông cũng khẳng định chính NATO đang tiến gần hơn bao giờ hết tới biên giới Nga.