Dư luận đặt kỳ vọng đối với đàm phán thương mại Mỹ - Trung
VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ tin tưởng, Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận nhằm khép lại cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng qua.
Các quan chức thương mại của Mỹ và Trung Quốc ngày 7/1 tiến hành cuộc đàm phán trong hai ngày tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (7-8/1). Đây sẽ là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại ngày 1/12/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNN
Phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ gồm các quan chức đến từ các Bộ Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp và Năng lượng, do Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu, đã lên đường đến địa điểm đàm phán với những người đồng cấp Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá cao ông Gerrish, cho rằng, ông là một nhà đàm phán giỏi và cứng rắn và là người mà Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer rất tin tưởng.
Cuộc đàm phán sẽ thảo luận việc thực thi thỏa thuận quan trọng mà hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ đã đạt được trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina cuối năm ngoái. Đây là sự kiện được kỳ vọng sẽ khép lại tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn thế giới.
Phát biểu trước báo giới ngày 6/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ tin tưởng, đàm phán sẽ diễn ra tốt đẹp. Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận nhằm khép lại cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng qua giữa hai nước.
Theo ông Donald Trump, những tác động từ biện pháp trừng phạt của Mỹ tới nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ: “Gần đây tôi đã trao đổi với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi thực sự tin tưởng phía Trung Quốc muốn có một thỏa thuận với Mỹ. Thuế quan thực sự đã làm tổn thương nền kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy giảm 38%. Dù mức suy giảm không nhiều song đây là động lực để họ đàm phán.”
Dư luận Trung Quốc cũng đặt kỳ vọng cao vào cuộc đàm phán lần này. Không ít người dân Trung Quốc khi được hỏi đã nói rằng, hai nền kinh tế Mỹ - Trung có tầm ảnh hưởng và tác động qua lại với nhau. Giải quyết tranh chấp thương mại sẽ mang lại lợi ích song phương và thế giới.
Một người dân Trung Quốc cho biết: “Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn có tầm ảnh hưởng qua lại với nhau. Tầm ảnh hưởng giữa 2 nước ngày càng lớn. Tôi hy vọng, lãnh đạovà các đại diện chính trị của 2 nước sẽ sớm giải quyết được bất đồng.”
“Theo tôi, Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến được thỏa thuận ở một mức độ nào đó. Người dân hai nước không thể không sử dụng sản phẩm của nhau. Người Mỹ không thể sống mà không dùng sản phẩm của Trung Quốc và ngược lại”, một người khác bày tỏ.
Giới phân tích khá thận trọng khi đánh giá về cuộc hội đàm lần này. Không ít chuyên gia cho rằng, các cuộc hội đàm ở cấp độ thứ trưởng sẽ không giải quyết được vấn đề song hai bên sẽ nắm bắt cơ hội này để kiểm tra các yêu cầu và đề nghị tương ứng, cũng như kiểm tra xem có cơ hội nào để đạt được thỏa thuận thương mại hay không. Theo Giáo sư Quan hệ quốc tế Vương Nghĩa Nguy, thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, đây là thời gian để cả hai nước vạch ra một lộ trình rõ ràng về cái có thể được thực hiện. Ông cảnh báo nếu hai bên không đạt một thỏa thuận về thương mại, tiến trình thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong nửa cuối năm 2018, Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại, làm chao đảo các thị trường tài chính khi hàng tỷ đô la hàng hóa trao đổi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này bị cản trở bởi các mức thuế mới của hai bên. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí “đình chiến thương mại” trong 90 ngày kể từ 1/12/2018 để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng./.
Bài học nào cho Mỹ và Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại?
Tàu Mỹ tới gần Hoàng Sa giữa lúc đàm phán thương mại với Trung Quốc