Dư luận phản ứng việc Triều Tiên điều chỉnh vụ phóng vệ tinh
(VOV) - Theo người phát ngôn của Hàn Quốc lần này có nhiều nước phản đối Triều Tiên phóng tên lửa, có nước còn dùng lời lẽ cứng rắn.
Sau khi Triều Tiên thông báo lùi kế hoạch phóng vệ tinh đến ngày 29/12, so với dự định ban đầu từ ngày 10-22/12, nhiều nước đã có phản ứng ban đầu về vấn đề này.
Cho dù Triều Tiên tuyên bố như vậy, nhưng phía Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực phối hợp với các nước thúc giục Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/12 tại thủ đô Seoul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên vấp phải sự phản đối của nhiều nước: “Nhiều nước đã ra tuyên bố phản đối kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng và yêu cầu nước này từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh sắp tới. So với lần phóng vệ tinh trước đây của Triều Tiên, lần này có nhiều nước phản đối hơn, có nước còn phản đối bằng những lời lẽ cứng rắn”.
Nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Seoul sẽ có các cuộc thảo luận riêng rẽ với Nga và Trung Quốc về vụ phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên.
Về phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết nước này vẫn giữ lập trường kêu gọi tất cả các bên liên quan nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực.
Cũng vào hôm qua, tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victor Nuland nhấn mạnh, “Mỹ vẫn quan ngại vì đây chỉ là một sự trì hoãn tạm thời". Về cơ bản, kế hoạch của Triều Tiên không thay đổi.
Trước đó, hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có cuôc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và khẳng định Washington cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bắc Kinh về vấn đề này.
Một quan chức ngoại giao Hàn Quốc cho biết thêm, Mỹ và Trung Quốc đã gửi thông điệp chung đến Triều Tiên yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng kế hoạch phóng tên lửa.
Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục duy trì tối đa cảnh giới và giám sát vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Thủ tướng Yoshihiko Noda và các Bộ trưởng có liên quan tiếp tục có mặt tại nhiệm sở từ 7 giờ sáng ngày thứ 2 trong kế hoạch phóng vệ tinh theo thông báo ban đầu của Triều Tiên.
Phát biểu trước báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto cho biết, Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét và nhanh chóng mở rộng thời hạn cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản can thiệp và phá hủy tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp tên lửa đẩy có thể rơi vào lãnh thổ Nhật Bản tương ứng với kế hoạch điều chỉnh của Triều Tiên.
Trong khi đó, Hãng truyền thông YTN của Hàn Quốc hôm nay đưa tin, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên dường như đang tháo dỡ tên lửa tầm xa mà nước này thông báo dùng để phóng vệ tinh nghiên cứu Trái đất Kwangmyungsang-3.
Một nguồn tin từ chính quyền Seoul cho biết, các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã quyết định mở rộng thời hạn phóng vệ tinh đến ngày 29/12, tức là tăng thêm 1 tuần so với dự định ban đầu từ ngày 10-22/12 vì lý do kỹ thuật.
Theo kế hoạch mới, vụ phóng của Triều Tiên sẽ diễn ra trong giai đoạn cả hai miền đều có những sự kiện quan trọng.
Hàn Quốc tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống, dự định vào ngày 19/12, và Bình Nhưỡng kỷ niệm 1 năm ngày mất của cố Chủ tịch Kim Jong-il vào ngày 17/12./.