Dư luận quốc tế ủng hộ giải pháp ngoại giao về Syria
VOV.VN - Biểu tình phản đối chiến tranh tại Syria tiếp tục nổ ra tại nhiều nước trên thế giới.
Sáng 12/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu quan trọng về Syria trong đó nhấn mạnh sẽ cho Syria một cơ hội ngoại giao. Các nước đã có phản ứng khác nhau trước tuyên bố này của Mỹ nhưng vẫn khẳng định tầm quan trọng của một giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Dân Argentina biểu tình phản đối chiến tranh ở Syria ở Buenos Aires (Ảnh chụp từ clip, nguồn Press TV) |
Sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama về Syria, nhiều nước tiếp tục lên tiếng ủng hộ cho một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột Syria. Tuy nhiên, Pháp - một đồng minh của Mỹ tiếp tục giữ quan điểm sẽ trừng phạt Tổng thống Syria al-Assad về việc sử dụng vũ khí hóa học nếu các giải pháp ngoại giao thất bại.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp khẳng định, một cuộc tấn công quân sự “vẫn có thể xảy ra”. Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm nay triệu tập một phiên họp đặc biệt của Hội đồng quốc phòng để thảo luận về vấn đề Syria. Cuộc họp với sự tham dự của Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ Pháp. Pháp hiện đang thúc đẩy một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó đề ra các điều kiện để phá hủy các kho vũ khí hóa học tại Syria và cảnh báo những “hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ Syria không thực hiện cam kết”.
Trong khi đó, phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Obama cho rằng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học, người đứng đầu Ủy ban các vấn đề quốc tế của quốc hội Nga Alexei Pushkov khẳng định, các nhóm vũ trang tại Syria sở hữu vũ khí hóa học. Nga đã đưa ra các bằng chứng rằng lực lượng này sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Syria tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ông Pushkov cũng cảnh báo những hậu quả khi Mỹ tấn công Syria: "Cuộc tấn công Syria có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều dân thường sẽ phải thiệt mạng, phá hủy toàn bộ đất nước này. Cuộc tấn công quân sự cũng khiến các hoạt động cực đoan tại Syria gia tăng. Chính vì vậy cuộc tấn công của Mỹ sẽ không khác gì hành động của al-Qaeda".
Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới tiếp tục bày tỏ ủng hộ một giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc xung đột Syria. Ngoại trưởng Canada John Baird nhấn mạnh, Canada ủng hộ một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột cũng như vấn đề vũ khí hóa học tại Syria. Ông Baird khẳng định, cách duy nhất để chấm dứt đổ máu tại Syria là thông qua một giải pháp chính trị.
Ấn Độ cũng lên tiếng ủng hộ đề xuất tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, đồng thời khẳng định rằng bất cứ hành động nào tiến tới hủy bỏ hoàn toàn các loại vũ khí này đều là “diễn biến tích cực”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin nhấn mạnh rằng, Ấn Độ không tán thành giải pháp quân sự đối với cuộc xung đột tại Syria và ủng hộ hội nghị quốc tế để tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề của quốc gia Trung Đông này.
Trong lúc này, nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Syria tiếp tục nổ ra tại nhiều nước trên thế giới. Các nhà hoạt động chống chiến tranh hôm qua tiến hành biểu tình trước cửa đại sứ Mỹ tại thủ đô Buenos Aires của Argentina để phản đối bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào của phương Tây vào Syria. Nhiều người dân Gaza cũng tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh tại Syria.
Thị trường thế giới cũng ngay lập tức có phản ứng tích cực với những diễn biến mới về tình hình Syria. Thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm và giá dầu giảm do các nhà đầu tư giảm được mối lo ngại rằng nguy cơ một cuộc chiến cận kề có thể khiến gián đoạn nguồn cung dầu tại Trung Đông.
Một chuyên gia phân tích thị trường của Ngân hàng Seydler tại Đức Oliver Roth cho biết: “Thị trường đã ổn định hơn do cuộc khủng hoảng Syria đã giảm căng thẳng và cộng đồng quốc tế đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề này. Các nhà đầu tư bớt lo ngại hơn rằng vấn đề Syria sẽ không quá ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Do đó chúng tôi khá lạc quan và tập trung vào các hoạt động kinh tế của mình”./.