Dư luận Thái Lan về Tân Thủ tướng lâm thời Prayuth
VOV.VN - Nhiệm vụ hàng đầu của ông Prayuth là khôi phục đoàn kết, hòa giải dân tộc, thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị - xã hội và kinh tế.
Ngày 21/8, Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia đã được Hội đồng lập pháp quốc gia của Thái Lan (có chức năng như Quốc hội) nhất trí bầu chọn làm Thủ tướng lâm thời; đây cũng là vị Thủ tướng thứ 29 của Thái Lan.
Tân Thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth Chan-ocha (Ảnh: scmp)
Dư luận Thái Lan và quốc tế đã có một số phản ứng bước đầu đáng chú ý. Dư luận báo chí và xã hội Thái Lan cho rằng, trên cương vị là Thủ tướng lâm thời trong vòng một năm tới, ông Prayuth sẽ phải gánh vác nhiều công việc rất quan trọng nhưng đầy khó khăn, phức tạp: đó là khôi phục sự đoàn kết, hòa giải dân tộc; thúc đẩy tiến trình cải cách sâu rộng cả về chính trị - xã hội và kinh tế; đồng thời giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế cũng như chăm lo tới đời sống và thu nhập của người dân.
Trong khi đó, đại diện đảng Vì nước Thái của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra không lấy làm ngạc nhiên về sự kiện ông Prayuth được bầu làm Thủ tướng lâm thời. Đảng này cho rằng ông Prayuth kiêm nhiệm cả chức vụ lãnh đạo Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và Thủ tướng lâm thời sẽ giúp điều hành các chính sách đạt hiệu quả và nhanh chóng hơn, nhất là trong việc giải quyết các mâu thuẫn chính trị.
Đại diện đảng Vì nước Thái mong muốn Tân Thủ tướng Prayuth lãnh đạo đất nước một cách công tâm, công bằng và dân chủ, thực hiện theo đúng lộ trình cải cách đã đề ra. Đại diện đảng Vì nước Thái còn cho rằng một trong những việc Tân Thủ tướng Prayuth nên làm ngay sau khi chính thức nhậm chức là bãi bỏ thiết quân luật nhằm khôi phục lòng tin của khách du lịch và giới đầu tư kinh doanh, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế.
Trong khi đó, đại diện đảng Dân chủ của Thái Lan lại cho rằng sau khi đảo chính, ông Prayuth không có ý định sẽ làm Thủ tướng lâm thời, vì Hiến pháp lâm thời 2014 đã có điều 44 quy định người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia có toàn quyền giải quyết các vấn đề quan trọng về đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, ông Prayuth đã chấp nhận nắm giữ cả chức vụ Thủ tướng lâm thời là dựa theo xu hướng ủng hộ của dư luận xã hội Thái Lan.
Về dư luận quốc tế, một số hãng thông tấn và báo chí lớn của khu vực và thế giới đã bình luận rằng, sau 55 năm kể từ năm 1959, ông Prayuth là quân nhân tại ngũ đầu tiên lãnh đạo đảo chính và được bầu làm Thủ tướng của Thái Lan.
Việc ông Prayuth được bầu làm Thủ tướng lâm thời cho thấy Quân đội Thái Lan muốn kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tình hình có nhiều biến động chính trị ở nước này, bất chấp sức ép của Mỹ và châu Âu thúc giục Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia sớm đưa Thái Lan trở lại chế độ dân chủ. Dư luận quốc tế cũng dự báo, sau khi ông Prayuth chính thức nhậm chức Thủ tướng thì có thể Chính phủ lâm thời sẽ được thành lập vào đầu tháng 9 tới./.