Dư luận về việc quân đội Thái Lan ban bố tình trạng Thiết quân luật

VOV.VN - Nhiều nước kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xảy ra bạo lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng.

Lần đầu tiên sau nhiều tháng xảy ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ và các cuộc đụng độ khiến hàng chục người chết, Quân đội Thái Lan đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước nhằm ổn định tình hình đất nước.  

Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha trong buổi họp tuyên bố áp dụng Thiết quân luật (Ảnh: Bangkok Post)

Động thái này đã ngay lập tức dẫn đến phản ứng của dư luận trong và ngoài nước Thái Lan. Nhiều nước kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xảy ra bạo lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.  

Ngay sau khi tình trạng thiết quân luật được ban bố, binh sĩ có vũ trang bằng súng trường, súng ngắn và áo giáp đã được triển khai và kiểm soát các đài truyền hình lớn, các nhà máy điện, nước và các tụ điểm thường xuyên diễn ra các cuộc tuần hành của người biểu tình ở Thủ đô và một số vùng lân cận.

Tại trung tâm Thủ đô Bangkok, quân đội đã bao vây cuộc biểu tình của phong trào "Áo Đỏ" ủng hộ Chính phủ, thuyết phục các thành viên phong trào này chấm dứt hoạt động tụ tập và tuần hành trên các đường phố ở Thủ đô.

Phản ứng trước động thái trên, cố vấn an ninh của Quyền Thủ tướng Thái Lan cho biết, Chính phủ tạm quyền không được quân đội tham vấn trước về quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật, đồng thời khẳng định Chính phủ tạm quyền vẫn tồn tại và "tất cả đều bình thường" trừ việc quân đội chịu trách nhiệm hoàn toàn về vấn đề an ninh quốc gia.

Trước đó, những người biểu tình phản đối Chính phủ tuyên bố sẽ tiến hành “trận chiến cuối cùng” trong những ngày tới nhằm lật đổ Chính phủ tạm quyền. Theo luật Thái Lan, quân đội có quyền tuyên bố tình trạng Thiết quân luật, cho phép họ kiểm soát an ninh khắp đất nước, nếu có tình huống khẩn cấp.

Động thái của quân đội có nguy cơ khiến những người ủng hộ Chính phủ xem như là một cuộc lật đổ. Tuy nhiên phe “Áo Đỏ” có phản ứng ban đầu với tin thiết quân luật rất thận trọng. Lãnh đạo phe này cho biết họ sẽ tuân thủ tình trạng thiết quân luật, song cảnh báo sẽ “đấu tranh đến cùng” nếu quân đội có hành động đi xa hơn.

Một lãnh đạo phe Áo Đỏ, ông Jatuporn Phromphan cho biết: “Chúng ta có nghĩa vụ duy trì nền dân chủ, và nếu mọi việc được giải quyết một cách dân chủ thì chúng ta sẵn sàng chấm dứt tụ tập, tuần hành. Nhưng quân đội chỉ có thể sử dụng dân chủ”.

Ngay sau khi quân đội Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật trên phạm vi cả nước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố cho rằng động thái này chỉ là tạm thời và không làm xói mòn nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Mỹ rất quan ngại trước những diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Thái Lan, đồng thời hối thúc tất cả các bên tôn trọng các nguyện vọng của người dân. Mỹ cho rằng việc quân đội Hoàng gia Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật không phải là hành vi đảo chính. Mỹ kỳ vọng quân đội tôn trọng các cam kết và bảo đảm tình trạng thiết quân luật này chỉ là tạm thời nhằm ngăn chặn bạo lực và không làm suy yếu thể chế dân chủ.

Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Thái Lan, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xảy ra bạo lực nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Phát biểu với báo giới, ông Suga cho biết: “Chúng tôi một lần nữa thúc giục các bên liên quan kiềm chế và tránh việc sử dụng vũ lực, hy vọng rằng bất đồng giữa các bên sẽ được giải quyết thông qua đối thoại và tiến trình dân chủ. Chúng tôi luôn theo dõi sát sao tình hình an ninh đối với các công dân và các công ty Nhật Bản ở Thái Lan và tiếp tục làm hết sức mình để bảo đảm an ninh cho họ”.

Indonesia, nước đối tác chủ chốt của Thái Lan tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến tại Thái Lan hiện nay. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa cho biết, nước này kiên định lập trường rằng Thái Lan phải tôn trọng lộ trình hiến pháp và các nguyên tắc dân chủ nhằm thúc đẩy hòa giải và đoàn kết dân tộc, phản ánh nguyện vọng của người dân Thái Lan./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên