Đức không loại trừ khả năng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine
VOV.VN - Đức không loại trừ khả năng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do nước này sản xuất cho Ukraine giữa bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho hay.
Tuần trước Đức thông báo về việc cung cấp cho Ukraine 40 xe chiến đấu bộ binh Marder và 1 hệ thống phòng không Patriot. Tuy nhiên, chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz đang đứng trước sức ép từ Ukraine cũng như các chính trị gia trong nước và EU về việc cung cấp xe tăng Leopard trong các gói hỗ trợ quân sự mới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với ARD1 ngày 8/1, ông Habeck đã cho thấy Berlin có thể sẽ nhượng bộ trước sức ép này.
"Chúng tôi luôn theo dõi tình hình ở Ukraine và hợp tác với các quốc gia khác. Các quyết định tiến xa hơn sẽ được đưa ra. Điều đó dĩ nhiên là không gì có thể loại trừ", Bộ trưởng Kinh tế Đức cho hay khi được hỏi về khả năng cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraine.
Ông Habeck nhận định, Đức đã cung cấp nhiều vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022 và "điều này sẽ tiếp tục" chừng nào chiến sự còn diễn ra.
Chính trị gia đảng Xanh đồng thời là Phó Chủ tịch Quốc hội Đức Katrin Göring-Eckardt cũng ủng hộ lập trường của ông Habeck khi nhận định với truyền thông rằng Đức sẽ không dừng cam kết hỗ trợ xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine.
"Chúng tôi phải cung cấp mọi thứ có thể. Điều này cũng bao gồm xe tăng Leopard", chính trị gia Göring-Eckardt bình luận. Phó Chủ tịch Quốc hội Đức và là thành viên đảng Dân chủ Tự do (FDP) – ông Wolfgang Kubicki cũng có lập trường tương tự.
Tuy nhiên, dường như giới lãnh đạo Đức không có quan điểm thống nhất về việc cung cấp xe tăng Leopard nặng 70 tấn cho Ukraine. Ngày 9/1, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit thông báo nước này "hiện chưa có ý định cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine”.
Ông Hebestreit cũng nhận định ông không biết liệu có thêm nước trong NATO nào lên kế hoạch cung cấp xe tăng do Đức sản xuất này cho Ukraine hay không nhưng bất kỳ nước nào có ý định như vậy đều cần sự cho phép từ Berlin.
Nga từ lâu đã chỉ trích các đợt vận chuyển vũ khí của phương Tây cho Ukraine, trong đó có Đức, đồng thời cho rằng điều đó chỉ kéo dài xung đột và làm tăng rủi ro đối đầu trực tiếp Nga - NATO./.