Vì sao Hà Nam là tỉnh đầu tiên hoàn thành cấp CCCD gắn chip?
VOV.VN - Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố hoàn thành cấp CCCD cho 100% dân số trong độ tuổi theo quy định. Để có được kết quả này, Công an tỉnh đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hoàn thành cấp CCCD gắn chip điện tử.
Trong chiến dịch cấp phủ CCCD gắn chip điện tử, Công an tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu cán đích vào dịp 30/4 – 1/5. Tuy nhiên, ngay từ ngày 22/4, Hà Nam đã là tỉnh đầu tiên công bố hoàn thành cấp CCCD cho 100% người dân trong độ tuổi quy định.
Hiện, Công an tỉnh Hà Nam đã cấp hơn 750.000 thẻ CCCD gắn chip điện tử, đứng đầu toàn quốc khi đã kích hoạt hơn 400.000 tài khoản định danh điện tử (đạt gần 67%) và việc tổ chức thực hiện số hóa tàng thư hồ sơ hộ khẩu đạt gần 100%.
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để làm CCCD
Trong câu chuyện kể của mình, nhiều cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh Hà Nam cho biết, để hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử sớm hơn so với kế hoạch đề ra, họ đã làm việc xuyên các kỳ nghỉ lễ, kể cả là Tết Nguyên đán, chia nhau đến từ ngõ, gõ từng nhà. Bởi thu thập dữ liệu phục vụ hơn 750.000 hồ sơ cấp căn cước công dân là một khối lượng công việc lớn.
Một trong những giải pháp tiên phong, đem lại lợi ích thiết thực, giảm thiểu tối đa việc di chuyển, tiết kiệm được kinh phí cho công dân Hà Nam đang sinh sống, lao động, làm việc tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc nhưng chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip là việc Công an tỉnh thành lập 11 tổ công tác lưu động với 45 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm đi đến mọi miền Tổ quốc, thu nhận hồ sơ.
Ví dụ, trong 3 ngày của đợt đầu tiên (từ 6 – 8/4), các tổ công tác đã vượt hàng nghìn km để thu nhận 1.032 hồ sơ cấp CCCD cho công dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nam. Việc này tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và không làm công việc, học tập của họ bị gián đoạn.
Ngoài ra, Công an tỉnh Hà Nam còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, vận động quần chúng nhân dân hiểu lợi ích và tích cực phối hợp; công an các huyện, thị xã, thành phố củng cố hệ thống tàng thư hộ khẩu, bổ sung thông tin kịp thời, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".
Là chiến sỹ có nhiều năm kinh nghiệm cấp CCCD, Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, Công an huyện Kim Bảng đã làm đơn tình nguyện xin vào tổ công tác lưu động của công an huyện đi vào các tỉnh phía Nam để tìm công dân.
Nhớ lại chuyến đi để lại rất nhiều kỷ niệm đặc biệt, Trung úy Tuấn Anh kể, có những ngày đi 4,5 km mới tìm ra được công dân già yếu, bệnh tật, tai nạn không có khả năng đi lại. Những trường hợp như vậy, anh em trong đội phải tranh thủ đi làm đêm, sau đó nhanh chóng quay lại địa điểm lưu động để sáng hôm sau phục vụ bà con.
“Có những trường hợp khi chúng tôi tìm tới, bà con lo lắng không biết công an đến tìm họ làm gì. Tuy nhiên sau khi nói rõ lý do, bà con rất vui, phấn khởi, còn cảm ơn công an rất nhiều. Vất vả là thế nhưng anh em không cần điều kiện gì, chỉ mong nhận được sự hợp tác nhiệt tình của bà con để nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ”- Trung úy Tuấn Anh kể.
Trong thành công chung của Công an Hà Nam, phải kể đến vai trò quan trọng của lực lượng công an xã đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, tập trung vào số công dân vắng mặt tại địa phương chưa làm CCCD. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao, cán bộ, chiến sĩ công an xã đã đến từng nhà, rà từng thôn, thu thập tin tức, làm việc cả ngày đêm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Đại úy Nguyễn Văn Giáp, Trưởng công an xã Hoàng Tây và vợ là Thượng úy Nguyễn Thị Thu Hiền - cán bộ công an xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng nhiều ngày phải “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, gửi con nhờ ông bà nội ngoại chăm sóc để làm nhiệm vụ ngoài giờ hành chính. Đại uý Nguyễn Văn Giáp cho hay, có những ngày, thời tiết mưa nắng không thuận lợi, hoặc lúc cao điểm người dân vào vụ cày cấy, gặt hái, công an xã phải tiến hành cấp căn cước công dân vào buổi tối.
Trong đó, nhiều công nhân trên địa bàn xã, tranh thủ sau ca sản xuất 2 giờ sáng, thậm chí là 4 giờ sáng đến làm căn cước, công an xã cũng phục vụ. Có những trường hợp người bị tâm thần, cứ nhìn thấy công an là bỏ đi ra cánh đồng. Đối với những trường hợp này, công an phải phối hợp cùng gia đình để hoàn thành việc việc cấp căn cước công dân.
“Trong giai đoạn cao điểm, chúng tôi phải làm việc xuyên Tết vì lúc đó người dân từ các nơi xa về quê ăn Tết, phải phục vụ bà con để họ đỡ phải đi lại nhiều…”- Đại úy Nguyễn Văn Giáp kể lại.
Nhường xe chuyên dụng của lãnh đạo huyện để đi làm CCCD cho công dân ở tỉnh xa
Từ những nỗ lực này, Công an huyện Kim Bảng là một trong 3 đơn vị của Hà Nam dẫn đầu cả nước trong chiến dịch cấp CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện, được lãnh đạo Bộ Công an khen ngợi.
Thượng tá Trịnh Minh Hoàng, Trưởng công an huyện Kim Bảng cho hay, quá trình triển khai ngoài những thuận lợi, Công an huyện Kim Bảng cũng như các huyện khác cũng gặp vướng mắc, khó khăn bởi công dân trên địa bàn do điều kiện phải đi làm ăn xa ở các tỉnh miền Nam và biên giới phía bắc…
Những trường hợp này, lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo phải cấp bằng được CCCD để tạo điều kiện tối đa cho công dân của tỉnh. Theo Thượng tá Hoàng, đối với tổ công tác đặc biệt này, đơn vị đã trưng dụng 2 xe công vụ chuyên đưa đón lãnh đạo huyện đi công tác và làm việc. Đồng thời, lãnh đạo Công an huyện Kim Bảng cũng hỗ trợ hết sức để tổ công tác hoàn thành tốt nhất, nhanh nhất nhiệm vụ của mình.
Thượng tá Trịnh Minh Hoàng cho hay, việc về nhất trong chiến dịch cấp CCCD gắn chip chỉ là giai đoạn đầu, Công an H.Kim Bảng đang phấn đấu cấp phủ định danh điện tử cho người dân đủ điều kiện trên địa bàn, phấn đấu về đích trước thời hạn lãnh đạo công an tỉnh đặt ra.
Hoàn thành sớm kế hoạch cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử đã giúp tỉnh Hà Nam thực hiện hiệu quả việc tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vào căn cước công dân phục vụ người dân được giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính. Đây cũng là địa phương đầu tiên thực hiện việc lắp đặt máy quét mã QR trên thẻ căn cước công dân gắn chip tại những khu du lịch. Việc làm này không những giảm thời gian chờ đợi cho người dân mà còn nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phòng ngừa các loại tội phạm và góp phần minh bạch hoạt động tài chính của lễ hội.
Theo Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, để có những thành tích này, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo lực lượng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ phủ CCCD cho nhân dân. Ngày đêm nỗ lực, Công an tỉnh Hà Nam đã về đích đầu tiên trong chiến dịch cấp CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện
Công an tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cấp đổi, cấp lại và cấp mới CCCD cho công dân đến độ tuổi, số chấp hành xong án phạt tù, số đi nước ngoài trở về; đồng thời đẩy mạnh việc thu nhận, kích hoạt định danh điện tử cho công dân trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đúng thời gian quy định. Thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, quản lý cư trú; làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”./.