Ebola đã lan sang châu Âu?
VOV.VN - Giới chức Roumania hôm qua (10/8), thông báo phát hiện một trường hợp nghi nhiễm virus Ebola ở khu vực phía Bắc thủ đô Bucharest.
Roumania vừa phát hiện một trường hợp nghi nhiễm virus Ebola., nếu trường hợp này được xác nhận thì đây sẽ là ca nhiễm Ebola đầu tiên tại khu vực châu Âu. Giới chuyên gia y tế nói rằng cuộc chiến chống lại dịch Ebola đang diễn biến phức tạp tại Tây Phi sẽ là một cuộc chiến kéo dài.
Mẫu xét nghiệm của người bệnh đã được chuyển tới Đức để kiểm tra.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), giới chức y tế vừa công bố kết quả âm tính với virus Ebola, sau khi kiểm tra tình hình sức khỏe một người Nigeria, đến Hong Kong ngày 7/8. Người này có những triệu chứng nôn mửa và đã phải nhờ tới sự trợ giúp của một nhân viên an ninh.
Để đối phó với dịch Ebola đang diễn biến phức tạp, vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 1.000 người tại khu vực Tây Phi, Hong Kong đã thiết lập 59 khu vực cách ly tại Bệnh viện Princess Margaret Hospital trong trường hợp phát hiện người nhiễm bệnh. Trước đó, kết quả xét nghiệm được công bố trong những ngày gần đây của các trường hợp nghi nghiễm virus Ebola tại Canađa và Saudi Arabia, cũng đều âm tính.
Sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch Ebola, các nước Tây Phi là tâm điểm của dịch bệnh tiếp tục có những biện pháp thắt chặt kiểm soát sự lây lan của virus chết người. Chính phủ Guinea đã tuyên bố đóng cửa biên giới, như một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát sang các nước láng giềng.
Phát biểu hôm qua, người phát ngôn chính phủ Guinea Albert Camara khẳng định những biện pháp nghiêm ngặt là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Camara nói: “Những điều chúng tôi làm lúc này là hợp tác với nhà lãnh đạo các nước trong khu vực, như Liên minh Sông Mano. Chúng tôi cần những biện pháp mạnh tay và quyết liệt để có thể kiểm soát tốt hơn các nhóm người qua lại biên giới. Đây là cách duy nhất để ngăn chặn virus Ebola lây lan. Chúng tôi đã nhận được những đề nghị hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và nhiều nước khác như Mỹ. Đây là sự giúp đỡ hữu ích giúp chúng tôi đối phó tốt hơn với dịch bệnh. Điều quan trọng nhất với chúng tôi lúc này là thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân với dịch bệnh. Guinea, Liberia và Sierra Leon cũng đang phối hợp thực hiện nhiều biện pháp đối phó dịch Ebola”.
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với dịch Ebola, nhiều nước trong và ngoài khu vực châu Phi ngay lập tức có biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tấn công nước mình. Burkina Faso hôm qua (10/8), là quốc gia châu Phi mới nhất công bố thắt chặt kiểm soát an ninh y tế tại các sân bay và cửa khẩu biên giới. Zambia cuối tuần qua cũng đã ra lệnh cấm công dân đi tới các nước là tâm điểm của dịch bệnh. Các nước Mỹ Latin cũng đã đồng loạt hành động, theo đó, bộ Y tế Chile đang lên kế hoạch đối phó khẩn cấp trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Peru, Nicaragua, El Salvador đã có lệnh cảnh báo y tế, cũng như thắt chặt các biện pháp an ninh y tế tại các sân bay và cửa khẩu biên giới.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết dịch Ebola đang hoành hành tại Tây Phi là dịch bệnh nghiêm trọng nhất trên thế giới, với 1.779 người nhiễm bệnh và 962 trường hợp tử vong, đồng thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong những tháng tới. Bác sĩ người Nhật Bản Takuya Adachi đã tham gia chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola tại Sierra Leone cảnh báo về một cuộc chiến lâu dài với virus chết người này.
Theo ông Adachi, số người nhiễm mới virus Ebola đang không ngừng tăng lên và sự bùng phát của dịch bệnh không có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm kết thúc. Bác sĩ Adachi cùng nhiều chuyên gia nhấn mạnh, các nước Tây Phi cần phải một hệ thống y tế cải thiện hơn và sự hỗ trợ về thuốc men để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài này./.