EU bác đề xuất dùng ngân sách chung để xây dựng hàng rào biên giới
VOV.VN - Tại cuộc họp Thượng đỉnh EU ngày 22/10, lãnh đạo EU đã bác đề xuất của 12 quốc gia thành viên về việc sử dụng ngân sách được phân bổ để xây dựng hàng rào “vật lý” ở biên giới nhằm ngăn dòng người nhập cư.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho rằng, “hàng rào vật lý” ở biên giới là cần thiết trong ngắn hạn và là biện pháp nhanh nhất để hạn chế người nhập cư. Chỉ trong vài tháng gần đây, đã có khoảng 4.000 người tị nạn vượt qua biên giới với Belarus để vào Litva. Litva này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp và bắt đầu xây dựng hàng rào dài 508km dọc biên giới với Belarus từ cuối tháng 8/2021. Ngay sau Litva, Ba Lan cũng có động thái tương tự sau khi ghi nhận 1.400 người nhập cư bất hợp pháp.
Hành động của Litva và Ba Lan đã nhận được sự ủng hộ của 10 quốc gia khác trong EU như Bungaria, Đảo Síp, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Lettonia, CH Séc, Slovakia và Áo. Đây đều là những nước nằm ở tuyến đầu, cửa ngõ EU trong việc tiếp nhận, giải quyết vấn đề người tỵ nạn. Trong lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh, tân Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cho rằng EU cần đoàn kết và giúp đỡ về mặt tài chính để Litva hoàn thành mục tiêu của mình.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ 12 quốc gia nói trên đã gửi thư lên Uỷ ban châu Âu (EC) với nội dung "hàng rào vật lý” là biện pháp bảo vệ biên giới hiệu quả, phục vụ lợi ích của toàn EU và cần được ưu tiên tài trợ từ ngân sách EU.
Tuy nhiên, Uỷ viên phụ trách Nội vụ châu Âu Ylva Johansson cho biết các nước thành viên có quyền xây dựng biên giới nhưng việc sử dụng nguồn vốn phân bổ từ ngân sách EU để thực hiện lại là một vấn đề khác. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Usurla Von der Leyen nhấn mạnh khung pháp lý của EU chỉ cho phép chi ngân sách cho hệ thống quản lý biên giới.
“Thực tế là đã có nhiều cuộc tranh luận về cái gọi là “cơ sở hạ tầng vật lý”. Và tôi đã nói rất rõ một quan điểm chung, mang tính dài hạn trong Uỷ ban châu Âu cũng như tại Nghị viện châu Âu là sẽ không hỗ trợ tài chính cho việc lập hàng rào thép gai hay xây dựng tường ngăn cách”, bà Ylva Johansson nói.
EU đang tiếp tục đương đầu với làn sóng di cư từ các quốc gia bất ổn ngoài châu Âu như Syria, Afghanistan, Lybia… Cũng trong thư gửi Ủy ban châu Âu, 12 quốc gia tham gia cho rằng cần có các điều khoản mạnh mẽ hơn, trong đó cân nhắc sửa đổi Thoả thuận đi lại tự do Schengen.
Trong cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015, Hungary và Slovenia thậm chí đã dựng hàng rào ngăn cách bằng dây thép gai với chính các thành viên EU khác như Serbia và Croatia, những nước chưa gia nhập không gian Schengen./.