EU bất đồng về lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria
(VOV) -Các nước Liên minh châu Âu đã bác bỏ đề xuất của Anh - Pháp dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria
Kết thúc hai ngày họp hôm qua tại Brussel (Bỉ), các nước Liên minh châu Âu đã bác bỏ đề xuất của Anh - Pháp dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria. Nhiều nước bày tỏ lo ngại rằng nếu lệnh cấm vận này được dỡ bỏ có thể gây lên một cuộc chạy đua vũ trang, khiến tình hình khu vực thêm bất ổn. Tuy nhiên, lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng nhất trí sớm tổ chức hội nghị ngoại trưởng khu vực để thống nhất lập trường của EU về vấn đề hủy lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria.
Pháp và Anh không nhận được nhiều sự ủng hộ đối với đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí trong ngày họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh. Chính phủ Liên minh châu Âu muốn ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao bày tỏ lo ngại rằng, việc vũ trang cho phép đối lập có thể khiến những vũ khí này rơi vào tay của các nhóm phiến quân Hồi giáo.
Một người lính Syria và số vũ khí tịch thu được từ các nhóm phiến quân. Ảnh: presstv |
Phát biểu sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết các nguyên thủ quốc gia 27 nước thành viên EU tái khẳng định sự can dự đầy đủ của EU trong các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Ông cũng cho biết một số nước thành viên đã nêu vấn đề cấm vận vũ khí đối với Syria trước hội nghị và lãnh đạo EU nhất trí giao nhiệm vụ cho các ngoại trưởng của tổ chức này đánh giá tình hình ở Syria. EU coi đó là vấn đề ưu tiên trong hội nghị ngoại trưởng không chính thức, dự kiến sẽ diễn ra ở Ailen vào ngày 22/3 tới.
Việc không đạt được một thỏa thuận tại hội nghị này khiến Anh và Pháp không hài lòng. Thủ tướng Anh David Cameron trước đó cảnh báo nước này có thể bỏ phiếu chống khi các nước Liên minh châu Âu bỏ phiếu gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, dự kiến hết hạn vào tháng 5 tới. Ông Cameron cho rằng, số người thiệt mạng tại Syria đang tăng lên từng ngày và cộng đồng quốc tế cần phải gây sức ép lên chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Ông Cameron cũng khẳng định, việc nước này đẩy mạnh dỡ bỏ lệnh cấm vận không có nghĩa là Anh đã sẵn sàng vũ trang cho lực lượng đối lập Syria.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cho rằng, có một tình trạng “ không đối xứng” giữa chính phủ và lực lượng đối lập Syria nên các nước châu Âu cần phải hành động ngay. Tổng thống Hollande trước đó cũng tuyên bố, Pari sẵn sàng nhận trách nhiệm và cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở Syria nếu không thuyết phục được các đối tác trong EU hủy lệnh cấm vận vũ khí đối với quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại Catherin Aston đều kêu gọi EU cần tiến tới quyết định này một cách thận trọng, vì vũ trang cho lực lượng đối lập có thể khiến tình hình tại Syria bất ổn hơn./.