EU cam kết đóng cửa tuyến đường di cư từ Libya đến Italy
VOV.VN - Mục đích chính của Hội nghị thượng đỉnh EU ở Malta ngày 3/2 là ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Libya tới châu Âu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 2/2 đã cam kết đóng cửa tuyến đường di cư trên Địa Trung Hải, nối Libya với Italy, nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Đây cũng là mục đích chính của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu khai mạc hôm nay (3/2) tại thủ đô Valletta của Malta. Mục tiêu này cũng hoàn toàn nằm trong tầm tay của châu Âu.
Làn sóng người di cư vẫn khiến giới chức châu Âu phải đau đầu. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu với báo giới tại Valletta, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, Liên minh châu Âu (EU) và Libya có chung lợi ích trong việc giảm số lượng những người di cư trái phép, liều mạng vượt Địa Trung Hải. bây giờ đã đến lúc đóng cửa tuyến đường từ Libya đến Italy.
Ngoài ra, ông Tusk cũng cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Malta lần này, ông sẽ thúc đẩy triển khai các biện pháp hành động cụ thể bổ sung để đối phó hiệu quả hơn với các mạng lưới buôn người và ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp.
“Mục đích chính của Hội nghị Malta là ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Libya tới châu Âu. Đây là cách duy nhất ngăn chặn hàng nghìn người chết trên sa mạc, trên biển và đây cũng là cách duy nhất để kiểm soát vấn đề nhập cư ở châu Âu”.
Cũng trong ngày hôm qua (2/2), Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni và Thủ tướng Chính phủ đoàn kết Libya Fayez Al-Serraj đã ký bản ghi nhớ về hợp tác nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, chống nạn buôn người cũng như tăng cường kiểm soát đường biên giới giữa hai nước.
Phát biểu với báo giới sau lễ ký bản ghi nhớ nói trên tại Rome, Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni nhấn mạnh thỏa thuận này là minh chứng cho sự hợp tác của hai nước trong nhiều tháng qua.
Trong năm 2016, hơn 181.000 người di cư và tị nạn, phần lớn xuất phát từ Libya, đã đến châu Âu thông qua tuyến Địa Trung Hải. Hiện EU dành sự quan tâm lớn hơn đến tuyến đường này sau khi số người xin tị nạn giảm mạnh trên tuyến phía Đông Đại Trung Hải kể từ khi thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực hồi năm ngoái.
Theo dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh tại Malta, 28 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cho rằng các nhà chức trách cần phải kiểm soát các đường biên giới trên bộ cũng như trên biển nhằm chống lại nạn buôn người.
Cũng theo dự thảo, Liên minh châu Âu sẽ ưu tiên huấn luyện và trang bị cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya. Hiện nay, EU đã có sự hiện diện quân sự ở các vùng biển quốc tế ngoài khơi Libya nhằm chống nạn buôn người cũng như thực hiện nhiệm vụ giải cứu người di cư.
Ngoài ra, EU cũng đề xuất tiền viện trợ cho Libya cũng như các nước châu Phi khác nhằm phong tỏa đường biên giới, ngăn chặn dòng người di cư muốn tìm đường tới châu Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Libya Sarraj cho rằng, như vậy vẫn chưa đủ. Ông kêu gọi có sự hỗ trợ hơn nữa để Lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya có thể tiến hành các cuộc tuần tra ở những vùng biển ngoài khơi phía Bắc nước này cũng như tiến hành hồi hương nhân đạo người di cư.
Bên cạnh đó, mặc dù EU vẫn chưa đưa ra con số cụ thể về viện trợ cho Libya, nhưng nguồn quỹ mà nước này nhận được tới nay vẫn chỉ là một phần nhỏ so với số tiền mà EU cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái./.