EU chia rẽ sâu sắc trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - Theo giới phân tích, EU không muốn gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề nằm ở chỗ nước này có muốn xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với EU hay không.
Liên minh châu Âu (EU) đang bị chia rẽ sâu sắc về việc làm thế nào để giải quyết tình hình hậu đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước EU ở Brussels, Bỉ ngày 14/11, Áo dẫn đầu nhóm các nước kêu gọi dừng đàm phán về tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một số cường quốc khác trong khối như Anh, Pháp và Đức lại khẳng định ủng hộ duy trì mối quan hệ với quốc gia này.
Liên minh châu Âu (EU) chia rẽ sâu sắc trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho biết, EU không nên tiếp tục đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia này không có chỗ trong Liên minh châu Âu. Luxembourg và Bỉ cũng ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Áo.
Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho biết: “Chúng ta đang rất lo ngại về tình hình Thổ Nhĩ Kỳ với các vụ bắt giữ nhà báo và thành viên Quốc hội. Điều quan trọng là Liên minh châu Âu cần phải nghĩ về mối quan hệ với một quốc gia như vậy”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, các nước châu Âu đang phản ứng thái quá về những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Johnson khẳng định: “Rõ ràng có một số vấn đề lo ngại tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng là chúng ta không nên đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào ngõ cụt và phản ứng quá mức theo hướng bất lợi đối với chúng ta. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành gần đây”.
Những cường quốc lớn trong Liên minh châu Âu là Pháp và Đức cũng lên tiếng ủng hộ duy trì hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng phá vỡ các cuộc đàm phán hiện nay sẽ bất lợi nhiều hơn cho châu Âu. Thực tế phản ứng của các nước Liên minh châu Âu trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan nhiều đến lợi ích quốc gia.
Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn duy trì thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đảm bảo lợi thế trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới, khi Đảng chống chính sách di cư tại Đức đang nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri. Trong khi đó, Anh không muốn gây thêm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này chuẩn bị rời khỏi EU và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 1,3 triệu người đã đến châu Âu vào năm ngoái, làm gia tăng bất đồng giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu. Thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhóm nhân quyền, nhưng cũng góp phần làm giảm đáng kể dòng người di cư tới châu Âu. Chính vì vậy, các nhà ngoại giao cho rằng, đây không phải là thời điểm để EU gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ mà là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU hay không.
Tổng thống Erdogan hôm qua (14/11) cũng củng cố nhận định này bằng tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm tới về việc quốc gia này có tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập EU hay không.
“Các bạn cần kiên nhẫn cho đến cuối năm nay khi đó chúng ta sẽ tự quyết định. Chủ quyền thuộc về người dân. Cũng giống như nước Anh đã làm và họ đã tuyên bố hãy rời khỏi EU và chúng ta cũng có thể làm như vậy”, ông Erdogan nói.
Tổng thống Erdogan mới đây cảnh báo sẽ mở cửa biên giới để hàng triệu người di cư tràn vào châu Âu nếu không có các bước tiến trong các cuộc đàm phán gia nhập EU. Tuy nhiên trong một thông điệp cứng rắn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini khẳng định, nỗ lực gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự động kết thúc nếu nước này quyết định khôi phục án tử hình./.