EU chia rẽ về vấn đề Lybia

Các nước Liên minh châu Âu e ngại về một thảm họa nhân đạo cũng như về vai trò của NATO trong chiến dịch quân sự tại quốc gia Bắc Phi này

Tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã không hàn gắn được rạn nứt giữa các nước thành viên tổ chức này xung quanh chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya cũng như vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) trong chiến dịch.

Thông báo kết thúc hội nghị xác nhận mục tiêu can dự chính của EU là bảo vệ dân thường. Cùng với Liên đoàn Arab và các cường quốc khác trong khu vực, EU ủng hộ các quyết định của Liên Hợp Quốc liên quan đến Libya; sẵn sàng huy động tiềm lực phòng thủ quân- dân sự để thực hiện sứ mệnh nhân đạo ở Libya.

Các bộ trưởng cũng nhất trí siết chặt các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trong vài tuần qua nhằm vào Tripoli, bao gồm 11 cộng sự của nhà lãnh đạo Moammer Kaddafi, và 9 thực thể kinh tế. Các biện pháp trừng phạt mới sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Ngoại trưởng Italy Franco Frattini  cảnh báo sẽ không cho lực lượng đa quốc gia sử
dụng căn cứ không quân nếu NATO không đảm nhận vai trò chỉ huy tại Libya (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, EU đang bị chia rẽ về vai trò của NATO trong chiến dịch can dự quân sự. Ngoại trưởng Italy Franco Frattini một mặt cảnh báo các đối tác trong lực lượng đa quốc gia (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp và Tây Ban Nha) không biến chiến dịch này thành một cuộc chiến tranh đối với Libya, mặt khác dọa sẽ không cho lực lượng đa quốc gia sử dụng các căn cứ không quân của nước này nếu NATO không đảm nhận vai trò chỉ huy chiến dịch quân sự ở Libya.

Trong khi đó, Đức đã quay sang chỉ trích sự can thiệp của lực lượng đa quốc gia. Ngoại trưởng nước này Guido Westerwelle đã cho rằng 3 ngày sau khi lực lượng này can thiệp quân sự vào Libya, các nước Arab đã chỉ trích quyết định này. Đó là lý do khiến Berlin không cử binh lính tham gia lực lượng đa quốc gia.

Không tỏ rõ quan điểm, song Bulgaria khẳng định sự can dự của một số nước lớn trong EU là hành động mạo hiểm. Na Uy quyết định tạm hoãn cử máy bay tham gia lực lượng đa quốc gia cho đến khi có quyết định rõ ràng về người chỉ huy lực lượng này.

Thụy Điển, Luxemburg sẵn sàng cam kết tham gia chiến dịch quân sự ở Libya, với điều kiện phải có sự đảm bảo từ NATO.

Trong một diễn biến liên quan Libya, ngày 22/3, Trung Quốc cáo buộc phương Tây gây thương vong cho dân thường Libya trong các cuộc không kích theo sự ủy thác của Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi các bên liên quan chiến sự ở Libya ngừng bắn ngay lập tức.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du bày tỏ quan điểm phản đối việc dùng vũ
lực tại Libya (Ảnh: AFP)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh mục đích của Liên hợp quốc trong nghị quyết về Libya là đảm bảo an toàn cho người dân Libya. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự của phương Tây đang gây thương vong cho những người vô tội.

“Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ lực có thể dẫn đến thương vong nhiều hơn cho dân thường và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Được biết, chính phủ Libya đã yêu cầu quân đội ngừng các hành động quân sự. Trung Quốc một lần nữa kêu gọi các bên ngừng bắn, giải quyết vấn đề thông qua  phương thức hòa bình” – Bà Khương Du nói.

Lời kêu gọi ngừng bắn của bà Khương Du không đề cập cụ thể đến các cường quốc phương Tây, hay nhắc lại lời kêu gọi trước đó của Trung Quốc về lệnh ngừng bắn giữa lực lượng trung thành với ông Kaddafi và quân nổi dậy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên