EU đạt thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine được quảng cáo “hiệu quả 90%”
VOV.VN - Đối với EU, đây cũng là thỏa thuận thứ ba mà khối này đạt được với các hãng dược phẩm nhằm đặt mua vaccine ngăn ngừa Covid-19 ngay sau khi các loại vaccine này được phép đưa vào sử dụng.
Liên minh châu Âu ngày 11/11 thông báo khối này đã đạt được thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine của các công ty dược phẩm Mỹ Pfizer và BioNTech của Đức, chỉ ít ngày sau khi hai công ty này thông báo loại vaccine đang được thử nghiệm của hai công ty này đạt hiệu quả đến 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, 27 quốc gia thành viên EU sẽ đặt mua 200 triệu liều vaccine do Pfizer và BioNTech sản xuất, đồng thời kèm thêm điều khoản được quyền mua tiếp 100 triệu liều nữa. Riêng Vương quốc Anh do đã rời EU nên cũng đã ký thỏa thuận riêng với hai công ty trên để mua 40 triệu liều vaccine.
Thỏa thuận này đạt được chỉ 2 ngày sau khi hai công ty Pfizer và BioNTech ra thông báo cho biết loại vaccine mà hai công ty này nghiên cứu sản xuất đạt hiệu quả đến 90% trong việc tạo miễn dịch ngăn ngừa virus Sars-CoV-2.
Thông tin này, mặc dù còn gây nhiều tranh cãi về khoa học nhưng đang tạo ra hy vọng lớn cho các nước phương Tây trong việc sớm chấm dứt đại dịch Covid-19 vốn đang gây ra các tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế tại Mỹ và châu Âu.
Đối với EU, đây cũng là thỏa thuận thứ ba mà khối này đạt được với các hãng dược phẩm nhằm đặt mua vaccine ngăn ngừa Covid-19 ngay sau khi các loại vaccine này được phép đưa vào sử dụng. Trước đó, EU cũng đã ký các hợp đồng đặt mua với các hãng dược AstraZeneca, Sanofi và Johns&Johnson, đồng thời vẫn đang tiếp tục đàm phán với các công ty khác như Moderna, CureVac và Novavax về các loại vaccine của các hãng này.
Tuy nhiên, phát biểu khi thông báo về thỏa thuận đặt mua vaccine, Ủy viên phụ trách Y tế của Liên minh châu Âu, bà Stella Kyriakides tuyên bố, các nước EU vẫn cần hết sức thận trọng trong việc đối phó dịch, kể cả khi khả năng có vaccine sắp thành hiện thực.
“Ngay cả khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả được sản xuất và sẵn sàng sử dụng, các nước vẫn cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp an toàn, cho đến khi nào có một tỷ lệ lớn dân số đạt được miễn dịch. Hy vọng đã có nhưng tôi muốn gửi đi thông điệp đúng đắn cho tất cả mọi người rằng cần phải tiếp tục thực hiện các biện pháp đang được áp dụng”, bà Stella Kyriakides nhấn mạnh.
Hiện tại, các diễn biến dịch Covid-19 tại các nước châu Âu vẫn đang nghiêm trọng, dù tốc độ lây nhiễm tại các nước bắt đầu có dấu hiệu chậm lại sau khi các nước đều thực hiện việc phong tỏa hoặc giới nghiêm từ khoảng 10 ngày qua. Tại Anh, trong ngày 11/11, số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này đã chính thức vượt qua con số 50.000 người khi có đến 595 người thiệt mạng trong vòng 24h, con số cao nhất từ ngày 12/5.
Trong khi đó, Italia là nước thứ 4 tại châu Âu có số ca nhiễm Sars-CoV-2 được thống kê chính thức vượt quá 1 triệu ca, sau Pháp, Tây Ban Nha và Anh. Tại Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11/11 cũng họp báo và đưa ra nhận định, làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tại Đức sẽ kéo dài trong suốt mùa Đông và nghiêm trọng hơn làn sóng dịch thứ nhất./.