EU họp khẩn cấp về căng thẳng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
VOV.VN - EU đã tiến hành 2 cuộc họp khẩn cấp liên tiếp cấp Bộ trưởng, bàn về giải pháp cho vấn đề người di cư đổ về biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong hai ngày 4 và 5/3, Liên minh châu Âu (EU) đã phải tiến hành 2 cuộc họp khẩn cấp liên tiếp cấp Bộ trưởng, để bàn về giải pháp cho vấn đề người di cư đang đổ dồn về biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đó là những chuyến thăm của các quan chức cấp cao châu Âu tới cả 2 quốc gia này trong bối cảnh xuất hiện các báo cáo khác nhau về tình hình căng thẳng tại biên giới.
Người tị nạn Syria. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu hôm qua (4/3) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ để bàn về dòng người di cư đang đổ dồn về biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại cuộc họp, đa số các Bộ trưởng Nội vụ EU mong muốn thỏa thuận về người di cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 phải được giữ vững.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết:“Tôi cũng muốn truyền tải một thông điệp về sự kiên định, về mong muốn các nước thực thi đầy đủ thỏa thuận năm 2016 giữa Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng là mọi người phải thực hiện các cam kết của mình. Chúng ta không nên đùa giỡn với cuộc sống của những người di cư – những người có thể bất chấp mọi rủi ro để đến chây Âu. Chúng ta phải tiếp tục áp dụng thỏa thuận năm 2016 và châu Âu sẽ không nhượng bộ về vấn đề này”.
Các Bộ trưởng Nội vụ EU cũng kêu gọi bảo vệ vững chắc an ninh biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí phương án cuối cùng có thể là bảo vệ cả biên giới phía ngoài của châu Âu. Dự kiến, trong ngày hôm nay và ngày mai (5-6/3), Ngoại trưởng các nước EU cũng sẽ nhóm họp để bàn thêm về vấn đề này.
Các cuộc họp cấp Bộ trưởng của EU diễn ra cùng thời điểm các quan chức cấp cao của Khối này tới thăm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 4/3, Cao uỷ phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell đã có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoagan tại thủ đô Ankara.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, ông Josep Borrell đã có những đánh giá có phần lạc quan:“Tôi với Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã có cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Đó là một cuộc nói chuyện dài và hữu ích giữa 2 bên. Chúng tôi đã bày tỏ sự cảm thông trước tình hình khó khăn mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt. Tuy nhiên ,cần phải nhấn mạnh rằng, những gì diễn ra hiện nay tại biên giới châu Âu sẽ không đi đến bất kỳ giải pháp nào”.
Cũng tại cuộc gặp này, ông Josep Borrell cũng thông báo, EU sẽ trợ giúp 170 triệu euro cho “những người dễ bị tổn thương nhất” ở Syria, trong đó có 60 triệu euro dành riêng hỗ trợ cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Tây Bắc quốc gia Trung Đông này.
Trước đó 1 ngày, các quan chức hàng đầu EU cũng đã tới Hy Lạp. Tại đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng thông báo EU luôn sát cánh cùng Hy Lạp và cam kết cung cấp tất cả sự giúp đỡ cần thiết để giúp Hy Lạp đối phó với làn sóng người di cư từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tình hình người di cư tại biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ diễn biến khá căng thẳng, khi khoảng 25.000 người di cư đang tập trung tại đây tìm cách vào châu Âu, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới tuần trước. Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Hy Lạp giết hại và làm bị thương người di cư; trong khi Hy Lạp bác bỏ các cáo buộc, cho rằng Ankara đang lan truyền tin giả. Thêm vào đó, Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hơi cay hướng về nước này, để hỗ trợ người di cư xâm nhập vào Hy Lạp bất hợp pháp.
Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa biên giới để người di cư tự do tràn vào châu Âu, với lý do “quá tải”, không thể nhận thêm người tị nạn từ Tây Bắc Syria. Các quan chức châu Âu đã coi đây là hành động “tống tiền” không thể chấp nhận của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm mục đích nhận thêm hỗ trợ tài chính từ EU và có được sự ủng hộ về quan điểm, chính sách trong vấn đề Syria. Tuy nhiên, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ nhận được nhiều lời chỉ trích từ châu Âu hơn là sự ủng hộ mà quốc gia này mong muốn./.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo châu Âu về làn sóng người di cư mới từ Syria
Cảnh sát Hy Lạp phát hiện 41 người di cư trong xe tải đông lạnh
Những người di cư bất chấp tính mạng vượt biển từ Pháp sang Anh