EU lên tiếng hỗ trợ Hy Lạp trong đàm phán về Đông Địa Trung Hải
VOV.VN - EU cho biết, sẽ luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp giải quyết các vấn đề về ranh giới lãnh hải ở phía Đông Địa Trung Hải với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 12/1, người phát ngôn Chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết, Liên minh châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp trong các cuộc đàm phán vào cuối tháng này với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết những vấn đề về ranh giới lãnh hải ở phía Đông Địa Trung Hải.
Người phát ngôn Chính sách Đối ngoại của EU hoan nghênh kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán vào cuối tháng này tại Istanbul của hai quốc gia thành viên NATO, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ cần có động thái “mang tính xây dựng” đối với các thành viên EU trong bối cảnh mối quan hệ giữa Ankara và Brussels đang trở nên rạn nứt. Ông Peter Stano cho biết EU luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp giải quyết các vấn đề giữa Athens và Ankara.
Các cuộc đàm phán được lên kế hoạch cuối tháng này sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2016, các quan chức Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngồi lại với nhau để tìm cách giải quyết các tranh chấp về tài nguyên tại khu vực Đông Địa Trung Hải.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết các cuộc đàm phán sẽ báo hiệu “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ của nước này với Liên minh châu Âu. Ông nhấn mạnh sự sẵn sàng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đưa quan hệ của giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU trở lại đúng hướng. Bên cạnh đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý Hy Lạp cũng cần có động thái tích cực không gây thêm căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải.
Tổng thống Erdogan kêu gọi EU tôn trọng những lời hứa của mình với Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả việc miễn các yêu cầu thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng kêu gọi Brussels bổ sung một thỏa thuận năm 2016, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu để đổi lấy hỗ trợ tài chính.
Ngày 12/1, Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã phát biểu trước Ủy ban đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội về dự luật mở rộng giới hạn phía tây của lãnh hải của nước này ở Biển Ionian lên 12 hải lý, sau các cuộc đàm phán với Italia và Albania. Mặc dù dự luật không ảnh hưởng trực tiếp đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đang được Ankara theo dõi hết sức chặt chẽ./.