EU sẽ tìm cách ký Hiệp định thương mại tự do với Anh hậu Brexit
VOV.VN - EU sẽ nỗ lực để có thể ký kết một Hiệp định thương mại tự do mới với Anh trước năm 2021, sau khi quốc gia này rời khỏi EU.
Ngày 14/12 tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên đã nhất trí trao cho Thủ tướng Anh Theresa May một đảm bảo rằng, EU sẽ nỗ lực để có thể ký kết một Hiệp định thương mại tự do mới với Anh trước năm 2021, sau khi quốc gia này rời khỏi EU. Động thái này của EU diễn ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị lãnh đạo các nước châu Âu khác giúp bà thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit.
EU sẽ tìm cách ký Hiệp định thương mại tự do với Anh hậu Brexit. Ảnh: BBC
Trong cuộc họp báo tối qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố nội dung tuyên bố chung về Brexit được đưa ra sau hội nghị, trong đó nêu rõ, EU muốn thiết lập mối quan hệ đối tác chặt chẽ nhất có thể với Vương quốc Anh trong tương lai. EU sẵn sàng chuẩn bị cho các vòng đàm phán về quan hệ thương mại tương lai sau khi thỏa thuận được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, để có thể khởi động quá trình thương lượng ngay sau khi Anh rời khỏi EU.
Về điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cho tới khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại, vốn vấp phải sự chỉ trích nặng nề trên chính trường Anh, EU khẳng định, giải pháp này là chính sách nhằm ngăn chặn sự xuất hiện một đường biên giới cứng tại Bắc Ireland và đảm bảo sự toàn vẹn của thị trường đơn nhất.
Chủ tịch Donald Tusk nhấn mạnh, EU quyết tâm hành động nhanh chóng cho một thỏa thuận song phương tiếp theo từ nay đến ngày 31/12/2020 để hai bên có thể tránh khả năng kích hoạt điều khoản này. EU cũng cam kết nỗ lực hết sức để đàm phán và ký kết nhanh chóng một thỏa thuận tiếp theo nhằm thay thế "rào chắn", đồng thời trông đợi hành động tương tự từ phía Anh.
Ông Donald Tusk nói: “Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng, một khi được kích hoạt, điều khoản này sẽ chỉ được áp dụng trong ngắn hạn và kéo dài trong "khoảng thời gian cần thiết" cho đến khi nó được thay thế bởi một thỏa thuận tiếp theo để tránh thiết lập biên giới cứng”.
Những cam kết này được EU đưa ra sau khi điều khoản về rào chắn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong chính giới Anh khiến thủ tướng Theresa May phải hoãn bỏ phiếu dự thảo về thỏa thuận Brexit trước Quốc hội Anh, vốn dự kiến tổ chức vào ngày 11/12. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ những lời hứa như trên của EU đã đủ để trấn an Quốc hội Anh hay chưa.
Các lãnh đạo EU cũng khẳng định không chấp nhận mở lại các cuộc đàm phán về Thỏa thuận cũng như Tuyên bố chính trị đã được ký thông qua ngày 25/11 vừa qua. Cùng với đó, Hội đồng châu Âu kêu gọi chuẩn bị trên mọi cấp độ, nhằm đối phó với những hậu quả tiềm tàng do sự ra đi của nước Anh gây ra, trên cơ sở cân nhắc mọi khả năng có thể xảy ra. Ủy ban châu Âu (EC) thông báo ngày 19/12 tới EC sẽ công bố kế hoạch cụ thể hơn để bảo vệ các doanh nghiệp và công dân EU trong trường hợp thỏa thuận Brexit không được thông qua và Anh rời EU ngày 29/3/2019 mà không có thỏa thuận.
Theo kế hoạch, Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon và luật pháp của Anh. Nếu đến ngày đó không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào. Nếu kịch bản này xảy ra, ngay sau ngày 29/3/2019, một tương lai mờ mịt đang đón đợi nước Anh. Khi đó, Anh sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Anh sẽ phải chịu thuế của EU như các nước ngoài EU, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn đời sống và việc làm của người dân Anh.
Về phía EU, liên minh này sẽ mất đi một khoản ngân sách không nhỏ lên tới 13 tỷ bảng mỗi năm. Vấn đề quyền sống và làm việc của 1,3 triệu công dân Anh tại EU và 3,7 triệu công dân EU tại Anh cũng sẽ không rõ ràng./.
Thủ tướng Anh Theresa May trước "đòn cân não" mang tên Brexit