EU thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, Moscow tuyên bố đã “miễn dịch”
VOV.VN - Liên minh châu Âu (EU) vừa phê duyệt gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga liên quan đến xung đột Ukraine, tập trung siết chặt các lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Moscow.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU, bà Kaja Kallas, cho biết đây là một trong những gói trừng phạt mạnh tay nhất dành cho Nga mà khối này đã thông qua cho tới thời điểm hiện tại.
Trước đó, nỗ lực thông qua gói trừng phạt đã vấp phải sự phản đối từ Slovakia, khiến tiến trình bị đình trệ. Tuy nhiên, Bratislava đã thay đổi lập trường sau khi nhận được cam kết từ Ủy ban châu Âu về việc đảm bảo nguồn cung khí đốt và dầu mỏ, cho rằng việc tiếp tục ngăn chặn lệnh trừng phạt sẽ là “phản tác dụng”.

Sau cuộc họp của các đại sứ EU tại Brussels ngày 19/7, bà Kallas đăng trên nền tảng X khẳng định EU đã nhất trí thông qua một gói trừng phạt “mạnh mẽ nhất từ trước tới nay” đối với Nga, đồng thời nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục duy trì áp lực kinh tế cho đến khi xung đột Ukraine được giải quyết.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng Nga nhiều lần khẳng định các biện pháp trừng phạt đơn phương từ EU là “bất hợp pháp” và Moscow kiên quyết phản đối. Ông Peskov nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga đã thích nghi với các lệnh cấm vận và đạt được “một mức độ miễn dịch nhất định”, đồng thời lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt là “con dao hai lưỡi”, gây tổn thất không chỉ cho Nga mà còn cho chính các quốc gia áp đặt.
Theo các nguồn tin được Euronews dẫn lại, gói trừng phạt mới cấm mọi giao dịch với 22 ngân hàng Nga và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), đồng thời cấm sử dụng hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream – vốn đã bị phá hỏng bởi các vụ nổ dưới biển năm 2022 và hiện vẫn chưa thể vận hành trở lại.
Một điểm mới đáng chú ý trong gói trừng phạt lần này là việc nâng cấp cơ chế áp giá trần đối với dầu thô Nga, thay vì cố định ở mức 60 USD/thùng như trước đây, cơ chế mới sẽ mang tính linh hoạt và được điều chỉnh để luôn thấp hơn 15% so với giá trung bình của thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, danh sách đen các tàu chuyên vận chuyển dầu Nga nhằm né tránh các lệnh cấm được coi là thuộc “hạm đội bóng đêm” cũng sẽ mở rộng thêm 105 tàu, nâng tổng số tàu bị cấm tiếp cận cảng và dịch vụ của EU lên hơn 400.
Trước các biện pháp siết chặt từ châu Âu, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang thị trường châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ trở thành hai khách hàng chủ chốt.
Tuy nhiên, nội bộ EU vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều. Một số quốc gia thành viên như Hungary và Slovakia từng lên tiếng chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU, cho rằng chúng gây tổn hại cho chính nền kinh tế châu Âu mà không thể chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.