EU tiếp tục đe dọa trừng phạt nếu Anh cố tình phá vỡ thỏa thuận Brexit
VOV.VN - Liên minh châu Âu ngày 11/9 liên tiếp phát đi các cảnh báo về việc sẽ có các trừng phạt đối với Vương quốc Anh nếu nước này không rút lại dự luật về thị trường nội địa được cho là vi phạm các điều khoản trong bản thỏa thuận Brexit ký năm 2019.
Trong diễn biến mới nhất liên quan các căng thẳng đang gia tăng những ngày qua giữa Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh xung quanh hồ sơ Brexit, chiều ngày 11/9, Nghị viện châu Âu đã ra một thông cáo cho biết, nếu Vương quốc Anh vi phạm hoặc đe dọa vi phạm thỏa thuận Brexit về việc nước Anh rời khỏi EU được ký cuối năm 2019 giữa hai bên thì “Nghị viện châu Âu trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ không phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận nào giữa Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh”.
Đây là động thái leo thang mới nhất trong bất đồng giữa hai bên sau khi chính phủ Anh dự định đưa ra luật về thị trường nội địa, trong đó cho phép các Bộ trưởng Anh được đơn phương quyết định các vấn đề về trợ cấp và hải quan tại lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.
Điều này, như chính thừa nhận của chính phủ Anh, là sẽ vi phạm vào thỏa thuận đã ký với EU bởi trong thỏa thuận Brexit ký cuối năm 2019 có điều khoản liên quan đến Bắc Ireland, theo đó, để bảo vệ thỏa thuận hòa bình “Ngày thứ Sáu tốt lành” trên đảo Ireland và giữ cho biên giới giữa nước Cộng hòa Ireland thuộc EU với tỉnh Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh được thông suốt, Bắc Ireland vẫn phải tuân thủ các điều luật của Liên minh châu Âu.
Sau khi cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic và Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove trong tối ngày 10/9 thất bại khi phía Anh kiên quyết không từ bỏ dự luật về thị trường nội địa, Liên minh châu Âu đã ra tối hậu thư yêu cầu Anh rút lại dự luật này chậm nhất vào cuối tháng 9/2020, nếu không EU sẽ kiện Anh ra tòa và áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc về tài chính và thương mại.
Theo chuyên gia Charles Grant của Trung tâm cải cách châu Âu, mối đe dọa lớn nhất với chính phủ Anh không phải là một thất bại ở tòa án mà là việc sẽ không có thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit với EU.
“Vũ khí tra tấn lớn nhất” không phải là tòa án. Tôi nghĩ điều đó không khiến ông Boris Johnson sợ lắm. Mối đe dọa lớn nhất sẽ là việc không có được thỏa thuận thương mại với EU, cũng như các tác động kinh tế đối với nước Anh, tác động tâm lý với nền kinh tế Anh về việc bị cắt đứt hoàn toàn hoặc một phần khỏi thị trường thương mại lớn nhất của mình, cũng như các tác động rất tiêu cực đến thị trường tài chính”.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc chính phủ Anh đe dọa vi phạm một thỏa thuận quốc tế mà nước Anh đã ký kết có thể để lại nhiều hậu quả tiêu cực rộng hơn phạm vi quan hệ giữa Anh và EU.
Trong ngày 11/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi cũng đã phát biểu rằng, nếu nước Anh vi phạm thỏa thuận với EU và khiến cho thỏa thuận hòa bình trên đảo Ireland bị đe dọa thì chính phủ Anh không nên hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, Trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận hậu Brexit của chính phủ Anh, ông David Frost cho rằng các động thái mới nhất của chính phủ Anh có thể tạo nên các cú hích, giúp phá vỡ thế bế tắc đã kéo dài trong suốt 8 vòng đàm phán giữa hai bên từ tháng 3/2020 đến nay.
Theo nhận định của ông David Frost, kế hoạch của chính phủ Anh về việc vi phạm luật pháp quốc tế và đẩy các đàm phán về thương mại và an ninh đến bờ vực đổ vỡ sẽ cho EU thấy được mức độ nguy hiểm của kịch bản không có được một thỏa thuận với Vương quốc Anh./.