EU tính trừng phạt Tel Aviv sau khi Israel kiểm soát biên giới đất liền của Gaza
VOV.VN - Quân đội Israel hôm qua đã kiểm soát được toàn bộ biên giới trên đất liền của Dải Gaza, đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm mới trong cuộc xung đột kéo dài suốt gần 8 tháng qua giữa nước này với lực lượng Hamas. Trong bối cảnh mọi nỗ lực hoà giải tới nay đều bế tắc, quốc tế tiếp tục gia tăng sức ép với các bên.
Hành lang Philadelphi trải dọc toàn bộ biên giới giữa Dải Gaza với Ai Cập. Đây cũng ranh giới đất liền duy nhất của vùng lãnh thổ Palestine chưa từng bị Israel trực tiếp kiểm soát. Chính vì thế việc Israel chiếm giữ Hành lang Philadelphi có thể làm phức tạo thêm mối quan hệ với Ai Cập. Theo phía Israel, bất chấp lệnh phong toả mà Israel và Ai Cập áp đặt suốt nhiều năm qua, hành lang này vẫn tràn ngập các đường hầm buôn lậu vũ khí và hàng hoá khác. Ai Cập hôm qua cảnh báo bất kỳ sự gia tăng quân đội nào của Israel ở khu vực biên giới sẽ vi phạm Hiệp định hoà bình năm 1979 giữa hai nước.
Israel đã tăng cường tấn công Rafah và hôm 28/5 vừa qua các xe tăng của nước này lần đầu tiên tiến vào trung tâm thành phố, bất chấp lệnh của Tòa án Công lý quốc tế. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi, Chính phủ Israel đã coi năm 2024 này là “năm của chiến tranh” và cuộc chiến sẽ còn diễn ra trong ít nhất 7 tháng nữa. Một dự đoán nghiệt ngã về cuộc xung đột tới nay đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và đẩy khu vực đến bờ vực một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua hối thúc Israel xác định tầm nhìn đối với tương lai Dải Gaza thời hậu chiến:
“Những gì diễn ra hiện nay nhấn mạnh sự cấp thiết của việc phải có kế hoạch cho tương lai. Đây là điều chúng ta cần làm và cần đạt được nhanh nhất có thể. Nếu không, chúng ta sẽ chứng kiến sự hỗn loạn, vô luật pháp và một khoảng trống mà cuối cùng sẽ bị Hamas hay thậm chí còn tồi tệ hơn nữa là các nhóm thánh chiến cực đoan lấp đầy."
Chiến tranh đã tàn phá Dải Gaza, vùng lãnh thổ Palestine chỉ vẹn vẹn gần 400 km2, gây ra thảm hoạ nhân đạo và nạn đói lan rộng. Theo Liên hợp quốc, giao tranh ở Rafah đã khiến 1 triệu người phải di dời, hầu hết trong số này trước đó đã phải di dời từ các khu vực khác của Gaza.
Trong khi đó, mọi tuyến đường viện trợ cho Gaza, bao gồm các cửa khẩu trên đất liền và bến tàu nổi do Mỹ xây dựng hồi đầu tháng này đều không hoạt động do các cuộc giao tranh, lệnh phong toả của Israel hay hư hại do thời tiết xấu. Phát biểu tại cuộc họp ngày hôm qua của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tình hình Gaza, Điều phối viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tiến trình hoà bình Trung Đông Tor Wennesland nhấn mạnh:
"Đã hơn bảy tháng kể từ sau cuộc đột kích của Hamas và chiến dịch quân sự đáp trả của Israel, các hành động thù địch không ngừng nghỉ ở Gaza dã gây ra đau khổ trên diện rộng, với mức độ không thể tưởng tượng được. Các nỗ lực nhằm thúc đẩy một thoả thuận lệnh ngừng bắn và thả các con tin đều bế tắc. Nếu Israel không dừng các hoạt động trên bộ trong và xung quanh Rafah, sự tàn phá sẽ chỉ ngày càng gia tăng.”
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đang thảo luận và dự kiến sẽ sớm tiến hành bỏ phiếu đối với nghị quyết do Algeria đệ trình yêu cầu Israel "dừng ngay lập tức cuộc tấn công quân sự" ở Rafah, ngừng bắn ở Dải Gaza và tạo điều kiện cho việc trao trả các con tin. Trong khi đó Liên minh châu Âu hôm qua cũng đã lần đầu tiên đề cập đến khả năng trừng phạt Israel.