EU - Trung Quốc bắt đầu họp thượng đỉnh lần đầu tiên sau hơn 2 năm
VOV.VN - Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa các lãnh đạo của Liên minh châu Âu và Trung Quốc được tổ chức trong ngày 1/4 là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên sau hơn 2 năm.
Theo chương trình nghị sự được Hội đồng châu Âu công bố, tham dự cuộc họp thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần này về phía châu Âu có Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell. Hai lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Hội nghị sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Vào lúc 10h sáng theo giờ địa phương tại Brussels (15h theo giờ Việt Nam), các lãnh đạo châu Âu đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường và đến 14h theo giờ Brussels (19h theo giờ Việt Nam) là cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Đây là cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên giữa các lãnh đạo cấp cao hai bên kể từ tháng 06/2020, dù sau đó vào tháng 12/2020 Chủ tịch Trung Quốc cũng đã có cuộc hội đàm trực tuyến với các nguyên thủ Pháp - Đức hay Chủ tịch Hội đồng châu Âu trong thời điểm hai bên hoàn tất Hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc.
Được lên kế hoạch và chuẩn bị công phu từ nhiều tháng qua nhằm tìm cách đối thoại tháo gỡ những bất đồng lớn trong quan hệ song phương năm 2021 nhưng cuộc họp thượng đỉnh EU - Trung Quốc lần này bị phủ bóng bởi cuộc chiến tại Ukraine, khi châu Âu đang tìm cách gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi quan điểm ủng hộ Nga, đồng thời đe doạ trừng phạt Trung Quốc nếu như nước này công khai hỗ trợ Nga về tài chính, quân sự.
Theo ông Ricardo Borges De Castro, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm chính sách châu Âu (European Policy Centre) tại Brussels, cuộc chiến tại Ukraine không chỉ che mờ mà còn có nguy cơ tổn hại các khía cạnh khác trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc.
“Tôi không thấy có cách nào châu Âu và Trung Quốc có thể đạt được các tiến bộ trong các chủ đề khác nếu không vượt qua được bất đồng liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine. Cuộc xung đột này cùng thực tế là châu Âu và Trung Quốc đang ở hai phía khác nhau, có thể sẽ đầu độc các chủ đề khác trong quan hệ giữa EU và Trung Quốc trong 2 - 3 năm qua. Theo quan điểm của tôi, hiện tại đang là xu hướng đi xuống tiêu cực trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc”, ông Borges De Castro nói.
Nhiều chuyên gia châu Âu khác cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, sẽ rất khó cho châu Âu khi không nêu vấn đề Ukraine lên đầu tiên trong các thảo luận với Trung Quốc và dựa trên quan điểm hiện nay của hai bên, nhiều khả năng EU và Trung Quốc sẽ không thể đưa ra được bất cứ tuyên bố chung nào sau cuộc họp thượng đỉnh.
Bên cạnh đó, các bất đồng như các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau hồi tháng 02/2021 vì vấn đề Tân Cương hay mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Litva, một quốc gia thành viên EU, cũng chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu xuống thang nào. Vì các vấn đề này, việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị đóng băng, bất chấp từng có hy vọng ở cả hai phía rằng EU và Trung Quốc có thể đạt được đột phá trong vấn đề này trong 6 tháng đầu năm 2022 khi nước Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu.
Tuy nhiên, ngoài các chủ đề bất đồng, trong thông báo trước khi diễn ra Thượng đỉnh trực tuyến với Trung Quốc, phía châu Âu cũng cho biết sẽ thảo luận với phía Trung Quốc về những lĩnh vực hai bên có lợi ích chung như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, hợp tác y tế hay việc xác định các cơ chế xây dựng mối quan hệ thương mại song phương cân bằng hơn./.