Eurozone đạt thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp

Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu diễn ra tại Bỉ tối 21/7 đã đạt được một số thỏa thuận về việc cứu trợ Hy Lạp.

Cuối cùng thì Liên minh châu Âu đã quyết định tự cứu mình bởi không có lựa chọn nào khác là phải giúp Hy Lạp vượt qua khó khăn và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ra cả khu vực đồng euro. Tiếp tục cứu trợ cho Hy Lạp có thể nói là quyết định mà Liên minh châu Âu không thể không làm trong bối cảnh có tới 1/3 thành viên trong khối bị nghi ngờ về khả năng trả nợ; uy tín và  thậm chí cả sự sống còn của đồng euro đang bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp.

Bảo vệ vị thế của đồng euro, mục đích này một lần nữa được Tổng thống Pháp nêu ra để giải thích cho quyết định của Liên minh châu Âu tiếp tục dành gói cứu trợ mới cho Hy Lạp. Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh, ông Sarkozy nói: “Khu vực đồng euro tạo ra sự đoàn kết giúp cho khối này không thể bỏ rơi một thành viên khu vực, vào thời điểm mà nước này cam kết một chương trình cải cách và tôn trọng các cam kết của mình. Đồng euro là một thành quả của cả khối không thể phủ nhận và không thể thay thế mà chúng ta phải bảo vệ và củng cố”. 

Có hai quyết định chính mà Khu vực đồng euro sẽ làm cho Hy lạp. Một là, Quỹ ổn định tài chính châu Âu (FESF) sẽ giảm tỷ lệ cho vay cho Hy Lạp từ 3,5% đến 4%, tức là thấp hơn hẳn so với lần cho vay trước đây. Theo Tổng thống Pháp Sarkozy, sự ưu đãi này tương đương với 30 tỷ euro tiền tiết kiệm cho Hy Lạp trong 10 năm tới. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa biết rõ là tổng số tiền của gói cứu trợ lần thứ hai cho Hy Lạp là bao nhiêu.

Quyết định thứ hai được coi là một sự nhượng bộ của phía Pháp đối với quan điểm của Đức để giúp cho hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tránh thất bại, đó là sự tham gia của lĩnh vực tư nhân vào kế hoạch cứu trợ Hy Lạp.  Theo ông Sarkozy, lĩnh vực tư nhân sẽ tham gia kế hoạch cứu trợ Hy Lạp bằng cách giảm tỷ lệ cho vay trong các khoản cho vay tương lai. Cụ thể, tỷ lệ này sẽ là 4,5% trong vòng 30 năm tới, thay vì 10% như hiện nay. Biện pháp này cho phép giảm 12% GDP nợ của Hy Lạp, tương đương với 135 tỷ euro trong 30 năm tới.

Phản ứng sau Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou nói: “Điều quan trọng duy nhất mà chúng tôi mong muốn là có điều kiện để tiến hành những cải cách sâu rộng trên đất nước mình. Và chúng tôi sẽ làm hết sức để thực hiện chương trình mới này.”

Còn theo Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi, kế hoạch cứu trợ Hy Lạp mới này có trị giá 158 tỷ euro. Các ngân hàng hứa cho vay 54 tỷ euro trong 3 năm. Chưa rõ số tiền cam kết của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là bao nhiêu, nhưng IMF gần như chắc chắn tham gia nỗ lực cứu trợ Hy Lạp lần 2 này. Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định qua một bản thông cáo rằng IMF sẽ tiếp tục “đóng vai trò của mình” để hỗ trợ Hy Lạp. Bà Lagarde hoan nghênh sự hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng và ổn định tài chính của các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro cũng như các thể chế tài chính khu vực.

Rất nhạy cảm với thông tin về hội nghị thượng đỉnh này nên ngay từ khi những thông tin về bản dự thảo thỏa thuận hội nghị bị rò rỉ ra ngoài vào buổi chiều, cả thị trường chứng khoán châu Âu và giá đồng euro đều đồng loạt lên giá. Đồng euro đã có thời điểm tương đương với 1,44 USD trong ngày và đây là mức cao nhất kể từ ngày 6/7. Hàng loạt các chỉ số chứng khoán, đặc biệt là của các ngân hàng lớn của châu Âu cũng tăng điểm.

Nhiều nhà quan sát ví von cho rằng nếu cuộc họp ngày 21/7 là một “trận đánh”, thì châu Âu đã không thua, nhưng trong cả “cuộc chiến” dài hơi hơn, châu Âu sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên