G20 kết thúc với cảnh báo cần giảm thâm hụt nợ công
(VOV) - Hội nghị cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn.
Sau 2 ngày họp, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc tối 5/11 (theo giờ Việt Nam) tại Mexico City, thủ đô của Mexico.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde trò chuyện với các đại biểu tham dự Hội nghị của G20 tại Mexico City hôm 5/11 (Ảnh: Reuters) |
Mặc dù không đạt được đột phá nào do diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi, nhưng việc Hội nghị đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế thế giới cũng như cảnh báo Mỹ và Liên minh châu Âu phải nỗ lực hơn nữa để giảm thâm hụt nợ công là điều cần thiết vào thời điểm hiện nay.
Trong thông cáo chung sau Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp và vẫn phải đối mặt với nhiều “rủi ro lớn”, trong đó nước Mỹ phải đối mặt với giảm thâm hụt ngân sách quy mô lớn, khủng hoảng nợ công châu Âu, nhất là vấn đề nợ công Tây Ban Nha và Hy Lạp tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế khu vực và thế giới.
Lãnh đạo tài chính của Nhóm G20 cam kết từng bước giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy thực hiện cơ chế giám sát tài chính mới. Các nhà lãnh đạo tài chính nhóm G20 nhấn mạnh, để đối phó với các thách thức hiện nay, các nước cần tăng cường cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao sức lao động và tạo thêm việc làm.
Nhận định về kết quả Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Italy Vittorio Grilli cho rằng, hội nghị lần này là bước đi tích cực nhằm góp phần khôi phục sự ổn định của kinh tế toàn cầu: “Chúng ta đã đạt được những tiến bộ trong nỗ lực khôi phục sự ổn định của kinh tế toàn cầu thông qua việc đánh giá lại thực trạng nền kinh tế và chính sách tài chính của các nước trên thế giới, cũng như thiết lập lại các thị trường tài chính. Đó là bước đi quan trọng nhằm tìm ra một giải pháp cho các vấn đề hiện nay của các nền kinh tế”.
Đối với vấn đề nợ công châu Âu, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jose Antonio Meade cho rằng, các nước châu Âu đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì sự ổn định cũng như từng bước giải quyết các thách thức của cuộc khủng hoảng.
“Từ cuối năm 2011, châu Âu phải đối mặt với các rủi ro lớn về tài chính, trong đó có vấn đề về đồng tiền chung. Nhưng ngày nay, chúng ta đang hướng tới một cơ chế giám sát, một cơ chế phối hợp về tài chính, tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng. Mỗi nước thành viên đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố tài chính của mình. Còn đối với những nước gặp khó khăn cũng đã được trợ giúp”, ông Jose Antonio Meade nói.
Kể từ tháng 9 vừa qua, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước lâm vào khủng hoảng nợ công trầm trọng, đã có tác động tích cực lên các thị trường tài chính, giúp xoa dịu “cơn bão nợ công” vốn bùng phát từ cách đây hai năm. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà đầu tư đang rất mong chờ về việc khi nào hoặc liệu Tây Ban Nha có đưa ra đề nghị về một khoản cứu trợ quốc tế, cũng như vấn đề nợ công Hy Lạp sẽ được giải quyết như thế nào.
Đối với Mỹ - quốc gia đang bên bờ “vực thẳm tài chính” - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới cần nhanh chóng giải quyết vấn đề ngân sách - vốn đang tác động tiêu cực đối với nền kinh tế các quốc gia khác: “Về vấn đề trần nợ công của Mỹ, cho dù ứng cử viên nào thắng cử trong cuộc bầu cử vào ngày 6/11 cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức và cần phải giải quyết nhanh chóng. Bởi chỉ còn hai tháng nữa là bước sang năm 2013 và đó là thời điểm nước Mỹ cần tìm ra một giải pháp vì lợi ích của kinh tế Mỹ cũng như của tất cả các quốc gia khác”.
Nếu Quốc hội Mỹ không đạt được một thỏa thuận nâng mức trần nợ công sau cuộc bầu cử Tổng thống, chính phủ Mỹ sẽ thiếu hụt khoảng 600 tỷ USD nên phải tăng thuế và giảm chi cho kích cầu kinh tế./.