Gần ngày trưng cầu dân ý, tình hình Ukraine càng phức tạp
VOV.VN -Cuộc trưng cầu dân ý của Crimea đang tới gần trong khi bất đồng giữa các bên liên quan lại ngày càng trở nên sâu sắc.
Vài ngày trước khi nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc “có sáp nhập vào Liên bang Nga hay không”, tình hình tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Trong một diễn biến mới nhất, Nghị viện Cộng hòa tự trị Crimea đã bỏ phiếu thông qua “tuyên bố độc lập cho Crimea và thành phố Sevastopol”.
Hiện dư luận đang hết sức quan tâm động thái của Nga cũng như phương Tây trước khi Crimea tiến hành trưng cầu ý dân về quy chế độc lập và sáp nhập vào Nga.
Những người đàn ông có vũ trang được cho là binh lính Nga ở Simferopol, Crimea (Ảnh: RIA Novosti) |
Cùng với tuyên bố độc lập, Cộng hòa tự trị Crimea cũng đã quyết định đóng cửa không phận đối với tất cả các chuyến bay thương mại, ngoại trừ các chuyến bay tới Moscow. Quyết định bất ngờ này đã khiến một máy bay của Ukraine phải quay trở lại nơi xuất phát khi bay từ Kiev tới Simferopol, thủ phủ của Crimea. Ngoài ra, chính quyền tự trị Crimea cũng đang có ý định quốc hữu hóa hạm đội hải quân Ukraine tại Simferopol.
Crimea nằm ởphía Nam Ukraine, nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga đang trở thành tâm điểm của cuộc “tranh giành Đông-Tây” với một loạt động thái và lập trường mang tính đối địch giữa Nga và phương Tây.
Bộ Ngoại giao Nga coi tuyên bố độc lập được Nghị viện Cộng hòa tự trị Crimea đưa ra hôm qua là “hoàn toàn hợp pháp”. Bộ Ngoại giao Nga đã viện dẫn việc Kosovo, vùng lãnh thổ thuộc Serbia đã tuyên bố tách khỏi Serbia trở thành một quốc gia độc lập, đồng thời nêu rõ Liên Hợp Quốc đã không coi hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Nga và Mỹ cũng vừa có cuộc điện đàm nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine, nhưng bất đồng giữa hai bên vẫn chưa được thu hẹp.
Trong khi đó, Mỹ không ngừng gia tăng sức ép yêu cầu Nga rút các lực lượng khỏi Crimea. Hôm qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết mang tính biểu tượng lên án các hành động của Nga tại Crimea, đồng thời hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama áp đặt các trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Nga.
Nghị sỹ Bill Keating thuộc đảng Dân chủ phát biểu tại cuộc bỏ phiếu cho biết: “Nếu Nga tiếp tục từ chối đưa các lực lượng trở về căn cứ của họ sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn. Những hậu quả này gồm trừng phạt kinh tế - thương mại và loại bỏ Nga khỏi nhóm G8”.
Mỹ và các cường quốc châu Âu đã sẵn sàng áp đặt các biện pháp chống Nga nhằm gây sức ép trong vấn đề Crimea. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào ngày 17/3, với cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine.
Ông Tusk nói: “Ba Lan sẽ không chấp nhận các giải pháp xâm phạm lãnh thổ của Ukraine, không tôn trọng chủ quyền và dời đường biên giới mà không được sự chấp thuận của Ukraine”.
EU cũng đang tỏ thái độ ngày càng cứng rắn hơn với Nga xung quanh vấn đề Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (11/3) tuyên bố cho biết, khối này không muốn đối đầu với Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, song nhấn mạnh EU phải chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đối phó nếu Nga không nhượng bộ.
Cùng với đó, Mỹ đã bắt đầu các cuộc tập trận sát biên giới Ukraine trong khi NATO triển khai các chuyến bay do thám nhằm bám sát tình hình khủng hoảng tại đây. Theo Reuters, ngày 11/3, tàu khu trục USS Truxtun của hải quân Mỹ với 300 thủy thủ đã tiến hành tập trận cùng các tàu chiến Romania và Bungaria tại Biển Đen. Còn tại Ba Lan, Mỹ đã điều máy bay chiến đấu tham gia các cuộc tập trận chung tại căn cứ không quân ở thành phố Lask. Trước đó, ngày 10/3, NATO thông báo bắt đầu cử máy bay trinh sát trên bầu trời Ba Lan và Romania để giúp theo dõi cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Các nhà phân tích Nga cho rằng, chính những chính sách của chính quyền lâm thời Ukraine với sự hậu thuẫn của phương Tây đang đẩy người dân Crimea gia nhập vào Nga. Viện chính trị và nghiên cứu xã hội học của Cộng hòa tự trị Crimea đã công bố kết quả một cuộc thăm dò ý kiến, theo đó 77% người dân khu vực này có ý định bỏ phiếu đồng ý gia nhập Nga.
Các nhà phân tích thuộc Trung tâm Thông tin chính trị Nga cho rằng, "nếu chính quyền Ukraine nỗ lực xây dựng mối quan hệ cân bằng hơn với Crimea và nếu phương Tây không nói về sự xâm lược của Nga, thì số người ủng hộ Crimea ly khai Ukraine sẽ không cao như vậy”./.