Giá khí tự nhiên ở châu Âu tiếp tục lao đao vì căng thẳng Nga - Ukraine
VOV.VN - Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể đồng nghĩa với việc người tiêu dùng châu Âu sẽ tiếp tục chứng kiến giá khí đốt biến động không ngừng trong mùa đông này.
"Các dòng chảy khí đốt Nga là nguyên nhân lớn nhất cho rủi ro về giá năng lượng châu Âu và tương lai của những dòng chảy này có liên hệ mất thiết với căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine", các nhà phân tích tại Schneider Electric cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm 22/12.
Nga đã tập trung hàng chục nghìn binh lính dọc biên giới với Ukraine, làm dấy lên nguy cơ của một cuộc tấn công và làm tăng mối lo ngại rằng khí đốt Nga đi qua quốc gia này có thể bị cắt giảm. Trong khi đó, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang Đức đã được hoàn thành nhưng vẫn chưa được thông qua để vận hành. Đường ống này được chính quyền Tổng thống Biden coi là một công cụ gây ảnh hưởng tiềm năng nếu Nga định tấn công Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã tìm kiếm sự đảm bảo từ Đức khi nước này tuyên bố sẽ không để đường ống trên đi vào hoạt động nếu xung đột quân sự xảy ra, song vẫn chưa nêu cụ thể những hậu quả mà Nga có thể phải đối mặt.
Trong khi đó, hiện Nga đang thắt chặt nguồn cung khí tự nhiên ở châu Âu. Giá khí tự nhiên tại sàn giao dịch TTP ở Hà Lan đã giảm 3,3% ngày 22/12 xuống 173,95 euro/megawatt-giờ nhưng vẫn tăng gần 89% chỉ tính riêng trong tháng 12.
Giá khí tự nhiên ở châu Âu đầu tuần này đã tăng sau khi đường ống của Nga tạm thời đảo ngược.
"Các nhà kinh doanh có quyền lo ngại về dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu trong tháng 12 khi tập đoàn Gazprom của Nga lựa chọn phó thác các đơn đặt hàng trong những ngày tới cho đường ống Yamal-Europe. Ngày 21 và 22/12, dòng chảy khí đốt Nga đã đảo ngược, vận chuyển từ Đức tới Ba Lan. Đó là điều mà châu Âu không hề muốn nghe", Kaushal Ramesh, nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy đánh giá.
Chuyên gia này cũng dự báo, thời tiết lạnh giá hơn trong những ngày tới cũng như việc 4 lò phản ứng hạt nhân của Pháp tạm dừng sẽ làm tăng nhu cầu than đá, khí tự nhiên và dầu nhiên liệu.
Các nhà phân tích của Schneider đánh giá, việc Nga giảm xuất khẩu những tháng gần đây có thể là nhân tố quan trọng nhất khiến giá khí đốt châu Âu liên tục cán những mức kỷ lục.
Với việc Dòng chảy phương Bắc 2 có nguy cơ không thể vận hành cho tới nửa sau năm 2022, dòng chảy khí tự nhiên từ Nga sang Đức có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong suốt mùa xuân và đầu mùa hè, chuyên gia Ramesh cho hay./.