Giải Nobel Hóa học 2019 thuộc về công trình pin lithium-ion
VOV.VN - Ba nhà khoa học Goodenough, Whittingham (Mỹ), và Yoshino (Nhật) cùng nhận giải thưởng Nobel Hóa học 2019 cho công trình phát triển pin lithium-ion.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vào ngày 9/10/2019 đã công bố tên 3 người đoạt giải Nobel Hóa học năm nay. Ba nhà khoa học này đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển loại pin lithium-ion.
Phần thuyết trình về giải Nobel Hóa học 2019 cho phát kiến pin lithium-ion. Ảnh: Nobel Prize. |
Pin lithium-ion thực sự là những pin trọng lượng nhẹ. Pin này mở đường cho sự phát triển của các thiết bị điện tử xách tay như điện thoại di động, laptop, máy trợ tim... và cả xe ô tô điện. Pin có khả năng sạc lại nhiều lần và có thể tích trữ lượng lớn năng lượng từ mặt trời và gió. Lợi thế của pin lithium-ion là chúng hoạt động không dựa trên phản ứng hóa học có thể làm mòn các điện cực, mà là dựa trên các lithium-ion chạy giữa cực dương và cực âm.
Đầu thập niên 1970, Stanley Whittingham (người Mỹ gốc Anh) đặt nền móng cho loại pin và đã phát triển pin lithium hoạt động được đầu tiên. Sau đó John Goodenough (người Mỹ) tăng gấp đôi tiềm lực của pin này. Còn Akira Yoshino (người Nhật Bản) thành công trong việc loại bỏ lithium tinh khiết khỏi pin, để dựa hoàn toàn vào lithium-ion – thứ an toàn hơn lithium thuần túy. Điều này giúp cho pin loại này có thể sử dụng rộng rãi trong thực tiễn và được đem bán như một sản phẩm thương mại.
Giáo sư Mark Miodownik thuộc Đại học London chia sẻ: “Tôi rất vui là pin lithium-ion cuối cùng đã được công nhận. Đây là một trong những sản phẩm của khoa học vật liệu có ảnh hưởng nhất, tác động lên đời sống hiện đại của con người. Mặc dù đã 30 tuổi, pin này vẫn chưa bị một công nghệ pin nào khác tốt hơn làm lu mờ, cho thấy phát hiện này mới lớn lao làm sao”.
Chân dung 3 nhà khoa học cùng đoạt giải Nobel Hóa học 2019. Ảnh: Nobel Prize. |
Năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Hóa học cho 3 nhà khoa học là Frances H. Arnold (người Mỹ), George P. Smith (người Mỹ) và Gregory P. Winter (người Anh).
Nhà khoa học nữ Arnold đến từ Viện Công nghệ California (Mỹ) nghiên cứu về “sự tiến hóa trực tiếp của các enzyme”. Các enzyme được tạo ra thông qua tiến hóa trực tiếp này được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ nhiên liệu sinh học tới dược phẩm.
Trong khi đó, các nhà hóa học Smith (Đại học Missouri, Columbia, Mỹ) và Winter (Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge, Anh) hợp tác nghiên cứu về “hiển thị thể thực khuẩn đối với các peptide và kháng thể”. Các kháng thể tiến hóa từ phương pháp này có thể dùng để chống lại các bệnh tự miễn nhiễm và trong một số trường hợp có thể trị được ung thư di căn.
**
Có 111 giải Nobel Hóa học tính từ năm 1901 đến năm 2019.
Có 63 giải Nobel Hóa học đã được trao cho duy nhất một người.
5 phụ nữ đã được nhận giải Nobel Hóa học.
Một cá nhân, tên là Frederick Sanger, được nhận giải Nobel Hóa học tới 2 lần, vào năm 1958 và năm 1980.
Người trẻ nhất được trao giải thưởng này là Frédéric Joliot khi nhận giải vào năm 1935. Lúc đó Joliot 35 tuổi.
Người cao tuổi nhất đoạt giải Nobel Hóa học là John Goodenough. Năm ông được trao giải này (2019), ông đã 97 tuổi./.