Giải tán lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19, Mỹ sẽ mắc sai lầm?

VOV.VN - Theo nhiều chuyên gia, nếu chính quyền Tổng thống Trump thực thi kế hoạch giải tán lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 thì đây sẽ là sai lầm lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (5/5) cho biết, lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 sẽ kết thúc nhiệm vụ trong bối cảnh Mỹ đang tiến đến giai đoạn thứ 2, tập trung giải quyết bài toán sau dịch bệnh.

trump_3.jpg

Ông Trump xác nhận kế hoạch nêu trên sau khi Phó Tổng thống Mike Pence – người dẫn đầu lực lượng đặc nhiệm, phát biểu với báo chí rằng, Nhà Trắng có thể chuyển sự phối hợp phản ứng chống Covid-19 sang các cơ quan liên bang vào cuối tháng 5/2020.

“Phó Tổng thống Pence và lực lượng đặc nhiệm đã thực hiện 1 công việc tuyệt vời”, ông Trump nói trong chuyến thăm  nhà máy sản xuất khẩu trang tại bang Arizona. “Tuy nhiên chúng tôi đang xem xét về một dạng thức khác, đảm bảo tính an toàn và cởi mở. Chúng tôi sẽ thành lập 1 nhóm chuyên trách khác biệt”.

Khi được hỏi liệu Tổng thống có tuyên bố hoàn thành sứ mệnh trong cuộc chiến chống Covid-19 hay không, ông Trump cho biết: “Không, không có gì cả. Nhiệm vụ chỉ hoàn thành khi dịch bệnh kết thúc”.

CNN dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao trong Nhà Trắng cho biết, lực lượng đặc nhiệm sẽ được giải tán vào ngày Memorial Day (Ngày Tưởng niệm của Mỹ - 25/5). “Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ các chuyên gia y tế chủ chốt để cố vấn cho Tổng thống hàng ngày và tiếp cận với báo chí trong những tháng tới”.  

Tại sao Mỹ lại muốn giải tán lực lượng này?

Vài ngày sau khi các quan chức y tế công cộng thông báo về trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Mỹ hôm 21/1, Nhà Trắng tuyên bố thành lập lực lượng đặc nhiệm để dẫn dắt phản ứng của chính phủ liên bang đối phó với đại dịch. Các thành viên trong lực lượng này cùng nhau làm việc để theo dõi, ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại Mỹ, ban hành hướng dẫn quan trọng về việc đi lại và các vấn đề y tế cho người dân.

Đến tháng 3/2020, khi Mỹ thông báo có hàng nghìn ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày, lực lượng đặc nhiệm đã tổ chức các cuộc họp báo hàng ngày để cập nhật thông tin cho người dân về tình trạng khẩn cấp y tế công cộng. Lực lượng này cũng cung cấp những ý kiến chuyên sâu về y tế công cộng và khoa học cho Tổng thống Trump. Tuy nhiên vào cuối tháng 4, các cuộc họp này đã bị dừng lại.

Thời gian gần đây, Tổng thống Trump đã bắt đầu nói nhiều hơn đến việc mở cửa lại nền kinh tế. Trong phát biểu hôm qua (5/5), ông Trump nói rằng: “Công việc này sẽ phải diễn ra khá nhanh”. Một số nhà quan sát cho rằng,  sở dĩ ông Trump muốn giải tán lực lượng này là để nhường chỗ cho trọng tâm mới: tái thiết nền kinh tế.

Bước đi sai lầm?

Theo CNN, nếu chính quyền Tổng thống Trump thực thi kế hoạch nói trên thì đây sẽ là sai lầm lớn trong bối cảnh Mỹ đang phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Động thái này sẽ phá hủy “trung tâm đầu não” dẫn dắt các phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh Covid-19.

Thông tin về kế hoạch giải tán lực lượng đặc nhiệm được đưa ra khi số ca mắc mới và số ca tử vong tại Mỹ vẫn tăng cao từng ngày, theo Trung tâm nghiên cứu virus SARS-CoV-2 tại Đại học Johns Hopkins.

Mô hình do Viện Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington ước tính số ca tử vong tại Mỹ sẽ tăng gấp đôi, lên đến 134.000 người vào ngày 4/8 nếu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Trong khi đó, Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, ước tính có thể có 800.000 ca tử vong Covid-19 tại Mỹ trong 18 tháng tới.

Bác sỹ Fauci, chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ và thành viên đội đặc nhiệm chống dịch Covid-19 cho biết, Mỹ cần phải có đủ năng lực xét nghiệm để có thể mở cửa trở lại một cách an toàn song nước này vẫn chưa ở giai đoạn đó.

Theo ông Fauci, Mỹ sẽ cần phải tăng gấp đôi số lượng xét nghiệm trong một vài tuần tới. “Tôi không nghĩ virus này sẽ biến mất. Ngay bây giờ nó xuất hiện và nếu có cơ hội nó sẽ hồi sinh”, chuyên gia Fauci phát biểu với tờ National Geographic.

Dự án Theo dõi Covid-19 cho biết, đến nay Mỹ mới chỉ thực hiện hơn 7 triệu xét nghiệm, chiếm khoảng 2% dân số. Còn nghiên cứu của Đại học Havard đánh giá, để trở lại cuộc sống bình thường, Mỹ cần tiến hành 5 triệu xét nghiệm mỗi ngày vào đầu tháng 6 và 20 triệu xét nghiệm mỗi ngày vào giữa mùa Hè. Nhưng đây vẫn là mục tiêu xa vời với nước Mỹ.

Đó là chưa kể vẫn có sự thiếu chắc chắn đối với hiệu quả của các xét nghiệm kháng thể. Về mặt lý thuyết xét nghiệm này cho thấy 1 người có xuất hiện kháng thể chống virus hay không, từ đó họ có thể trở lại làm việc và hoạt động xã hội bình thường.

Trong khi đó, vẫn chưa rõ khả năng miễn dịch thực sự đối với virus SARS-CoV-2 là gì. Tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng xét nghiệm kháng thể cho thấy 1 người đã bị nhiễm virus không đồng nghĩa với việc người đó không bị tái nhiễm. Hiện đang có một sự đồng thuận giữa các nhà khoa học rằng sẽ có khả năng xảy ra “đợt bùng phát dịch bệnh thứ 2” vào mùa thu năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhờ ngoại giao Covid-19, Nga và Mỹ xây dựng lại quan hệ nước lớn?
Nhờ ngoại giao Covid-19, Nga và Mỹ xây dựng lại quan hệ nước lớn?

VOV.VN - Sự tương tác liên tục giữa lãnh đạo Nga và Mỹ xung quanh vấn đề hợp tác dịch bệnh phản ánh xu hướng mới của việc xây dựng lại quan hệ nước lớn.

Nhờ ngoại giao Covid-19, Nga và Mỹ xây dựng lại quan hệ nước lớn?

Nhờ ngoại giao Covid-19, Nga và Mỹ xây dựng lại quan hệ nước lớn?

VOV.VN - Sự tương tác liên tục giữa lãnh đạo Nga và Mỹ xung quanh vấn đề hợp tác dịch bệnh phản ánh xu hướng mới của việc xây dựng lại quan hệ nước lớn.

Mỹ-Trung khẩu chiến vì Covid-19: Nguy cơ căng thẳng thương mại
Mỹ-Trung khẩu chiến vì Covid-19: Nguy cơ căng thẳng thương mại

VOV.VN - Với những cuộc đối đầu liên quan đến dịch Covid-19, nhiều người lo ngại hai bên sẽ có những hành động khiến cuộc chiến thương mại nóng trở lại.

Mỹ-Trung khẩu chiến vì Covid-19: Nguy cơ căng thẳng thương mại

Mỹ-Trung khẩu chiến vì Covid-19: Nguy cơ căng thẳng thương mại

VOV.VN - Với những cuộc đối đầu liên quan đến dịch Covid-19, nhiều người lo ngại hai bên sẽ có những hành động khiến cuộc chiến thương mại nóng trở lại.

Israel cài đặt hệ thống tự động xét nghiệm Covid-19
Israel cài đặt hệ thống tự động xét nghiệm Covid-19

VOV.VN - Quỹ Y tế Clalit của Israel đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm Covid-19 bằng robot tự động thay cho các nhân viên y tế.

Israel cài đặt hệ thống tự động xét nghiệm Covid-19

Israel cài đặt hệ thống tự động xét nghiệm Covid-19

VOV.VN - Quỹ Y tế Clalit của Israel đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm Covid-19 bằng robot tự động thay cho các nhân viên y tế.