Giao tranh ác liệt ở Myanmar bước sang tuần thứ 4 và tiếp tục lan rộng
VOV.VN - Giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân nổi dậy đã bước sang bước tuần thứ 4 và vẫn tiếp tục lan rộng khắp các vùng, miền, gây nhiều hậu quả tàn khốc.
Người phát ngôn Chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun cho biết các nhóm phiến quân nổi dậy hôm 21/11 đã đồng loạt tấn công vào nhiều cơ sở do quân đội Myanmar kiểm soát, trong đó có nhà tù Loikaw ở bang Kayah và sân bay ở vùng Sagaing.
Ông Zaw Min Tun không cung cấp chi tiết về các cuộc tấn công, tuy nhiên những mục tiêu mới này cho thấy các nhóm phiến quân đang không ngừng mở rộng mặt trận tấn công mới nhằm vào quân đội Myanmar.
Loikaw là thủ phủ của bang Kayah, miền Đông Myanmar, trong khi Sagaing là một vùng hành chính ở phía Tây Bắc Myanmar.
Trước đó, một liên minh gồm 3 nhóm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), Quân đội Arakan (AA) và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) hôm 27/10 đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công phối hợp vào các địa điểm do Chính quyền quân sự kiểm soát ở bang Shan, miền Bắc Myanmar.
Cuộc nổi dậy này đã khơi mào, tạo hiệu ứng dẫn đến một loạt cuộc tấn công của các nhóm phiến quân nhằm vào các mục tiêu quân sự khắp các vùng, miền của Myanmar, nhất là các bang miền Đông, Đông Bắc tiếp giáp với Trung Quốc, miền Tây, Tây Bắc tiếp giáp với Bangladesh và Ấn Độ.
Thủ lĩnh nhóm Lực lượng phòng vệ dân tộc Karenni (KNDF) Khun Bedu cho biết giao tranh vẫn đang tiếp diễn quyết liệt. Các nhóm phiến quân hiện giành quyền kiểm soát ở nhiều khu vực khác nhau khi lực lượng quân sự Myanmar buộc phải sơ tán nhằm bảo toàn lực lượng.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, tình hình giao tranh khốc liệt khiến tổ chức này khó có thể xác nhận số trường hợp thương vong. Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho thấy ít nhất 75 người đã thiệt mạng và 94 người khác bị thương sau các cuộc giao tranh. Trong khi đó, hàng chục nghìn người dân Myanmar đã phải lánh nạn sang các quốc gia láng giềng gồm Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh và Ấn Độ.
Đến nay, 228 nhân viên của Liên Hợp Quốc cùng gia đình của họ cũng đã được sơ tán khỏi các vùng nguy hiểm.