Giao tranh tiếp diễn ở Libya bất chấp Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn
VOV.VN - Giao tranh giữa các lực lượng trung thành với chính phủ Libya và phe đối lập nhằm giành kiểm soát thủ đô Tripoli vẫn diễn ra ác liệt.
Hiện Lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar chỉ huy đã chiếm giữ vùng ngoại ô và chỉ cách trung tâm thành phố Tripoli khoảng 11 km về phía Nam. Trước tình hình này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo, Libya đang đối mặt với một tình huống "rất nguy hiểm”.
Giao tranh tiếp diễn ở Libya bất chấp Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn. Ảnh: Reuters |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres nhấn mạnh, diễn biến mới nhất tại Tripoli trong 24 giờ qua là cuộc giao tranh ác liệt nhất kể từ khi xung đột nổ ra tại thành phố này tuần trước, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về tính mạng của dân thường. Ông Guterres kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo để tạo điều kiện viện trợ khẩn cấp cho dân thường, đặc biệt là những người bị thương.
“Chắc mọi người còn nhớ khi rời Libya, tôi có nói rằng, tôi vô cùng lo lắng trước khả năng đối đầu nghiêm trọng tại Tripoli và khu vực xung quanh. Thật không may, cho đến bây giờ cảm giác đó đã được xác nhận. Nhưng vẫn còn thời gian để dừng lại.Vẫn còn thời gian để ngừng bắn, để chấm dứt chiến sự và để tránh điều tồi tệ hơn là một trận chiến kịch tính, đẫm máu đối với Tripoli.”
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) hối thúc lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar, đứng đầu chính quyền miền Đông, ngừng chiến dịch tấn công thủ đô Tripoli. Trong một tuyên bố, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini cảnh báo, việc Quân đội Quốc gia Libya tấn công Tripoli dẫn đến xung đột leo thang trong và xung quanh thành phố này đang đe dọa đến tính mạng dân thường, trong đó có những người tị nạn; làm gián đoạn tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ và nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho Libya và khu vực. Theo tuyên bố, EU kêu gọi tất cả các bên đối địch tại Libya lập tức dừng mọi hoạt động quân sự và Quân đội Quốc gia Libya rút toàn bộ lực lượng khỏi Tripoli cũng như vùng lân cận nhằm tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn nhân đạo.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày hôm qua (11/2) cho biết, chỉ trong 6 ngày, cuộc chiến ở thủ đô Tripoli của Libya đã khiến 56 người thiệt mạng và 266 người bị thương. Hàng nghìn người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi những người khác mắc kẹt trong các vùng chiến sự. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, đã phái các đội cứu trợ khẩn cấp tới các "bệnh viện dã chiến" và đang tăng cường tiếp tế thuốc men tới các vùng bị ảnh hưởng của cuộc chiến. Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Libya, ông Syed Jaffar Hussain cảnh báo, xung đột kéo dài và con số thương vong đang gia tăng sẽ "vắt kiệt nguồn nhu yếu phẩm có hạn tại khu vực và tàn phá thêm hạ tầng y tế".
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya trung thành với Tướng Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở Tripoli. Mặc dù hai bên đã ký thỏa thuận chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ vào cuối năm 2015, nhưng Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. Hiện tại, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội, mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhóm vũ trang để bảo vệ thủ đô. Xung đột giữa hai bên đã bùng phát và đẩy lên một nấc thang mới sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 ra lệnh cho các lực lượng ở miền Đông tiến về miền Tây, tấn công Tripoli với tuyên bố “giải phóng Tripoli, tiêu diệt khủng bố, xóa sổ các băng nhóm tội phạm”. Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, Thủ tướng Fayez al-Sarraj tuyên bố đáp trả bằng "mọi nỗ lực", đồng thời huy động quân tiếp viện từ các khu vực về Tripoli để "phản công" bảo vệ thủ đô./.
Libya liệu có trở thành “Syria 2.0” của Nga?