Giới khoa học hi vọng có vaccine ngừa Ebola vào năm 2015
VOV.VN -Tại Mỹ, hiện nay các nhà khoa học đang đẩy nhanh việc thử nghiệm lâm sàng về một loại vaccine được cho là có khả năng hiệu quả chống lại virus Ebola
Dịch bệnh Ebola đang reo rắc kinh hoàng tại Tây Phi và Liên Hợp Quốc cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải ra tín hiệu báo động toàn cầu. Cho đến giờ, vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vaccine phòng chống hiệu quả được WHO chính thức công nhận. Bao giờ có vaccine chống lại Ebola và liệu pháp chuẩn điều trị căn bệnh chết người này sẽ được thảo luận tại Hội nghị về Ebola Geneva (Thụy Sĩ) vào đầu tuần tới. Giới khoa học hi vọng sẽ có vaccine hay thuốc đặc trị Ebola vào năm tới.
Tại Mỹ, hiện nay các nhà khoa học đang đẩy nhanh việc thử nghiệm lâm sàng về một loại vaccine được cho là có khả năng hiệu quả chống lại virrus Ebola, đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người ở vùng Tây Phi. Nếu thành công, thử nghiệm sẽ được mở rộng tại nhiều nước khác, đặc biệt các quốc gia có dịch bệnh đang hoành hành.
Trưởng nhóm giám sát việc thử nghiệm thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ cho biết nhóm nghiên cứu của ông đang có kế hoạch thử nghiệm lâm sàng trên người đối với một vaccine được công nhận là chống Ebola thành công trên khỉ và linh dương. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm vaccine chống Ebola trên người không nên vội vã thông qua mà cần phải chờ ít nhất tới năm 2015. Bởi vì, mặc dù tình hình hiện nay đang là vô cùng cấp bách, song cần phải hết sức thận trọng trong các nghiên cứu lâm sàng.
“Mọi người vừa muốn có thuốc hay vaccine chống Ebola càng nhanh càng tốt, vừa muốn bảo đảm rằng nó có tác dụng song không gây hại. Không thể một sớm một chiều mà có thể làm được. Tuy vậy, hãy đừng từ bỏ hi vọng. Bởi chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, bào chế nhiều loại vaccine được cho có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập và phát tán virus trong cơ thể”, vị trưởng nhóm cho hay.
Vị trưởng nhóm này cũng nhấn mạnh, giống như các thử nghiệm khoa học khác, việc thử nghiệm phức tạp này còn đòi hỏi sự giám sát vô cùng chặt chẽ ở những người tham gia chủng ngừa thử nghiệm. Bỏi vì thử nghiệm vaccine rất khác so với thử nghiệm bất cứ một loại thuốc điều trị Ebola nào đó: “Thử nghiệm vaccine chống Ebola không giống việc thử nghiệm một loại thuốc cho một người bị bệnh rất nặng. Những người bị bệnh không có sự lựa chọn nào khác, họ phải dùng liệu pháp khẩn cấp này nếu không họ sẽ chết. Còn vaccine thử nghiệm lại được tiêm cho người khỏe mạnh. Ai dám chắc chắn rằng nó sẽ không gây hại cho họ. Nếu như thử nghiệm không thành công như mong muốn thì hậu quả sẽ ra sao cho một người bình thường”.
Trước việc hiện nay có một số Hãng dược phẩm thông báo sắp bào chế được vaccine chống Ebola, Phó Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Marie-Paule Kieny cảnh báo bất kỳ loại vaccine nào chống Ebola sẽ bị kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt và kỹ càng đảm bảo không có sai sót hay rủi ro nào thì mới cho phép phân phối rộng rãi ra thị trường. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia y tế để làm được điều này là vô cùng khó khăn và mất nhiều thời gian trong khi tình hình dịch bệnh Ebola diễn biến xấu đi hàng ngày. Chính vì thế, Tổ chức Y tế thế giới có thể sẽ phải hạ các tiêu chuẩn thử nghiệm để cho phép vaccine chống virus Ebola. Chẳng hạn như vaccine chỉ cần cho kết quả tốt ở một nhóm nhỏ người trải qua thử nghiệm.
Hiện nay có nhiều hãng dược phẩm đang gấp rút thử nghiệm một số vắc- xin và thuốc chống virus Ebola. Trong đó có loại thuốc Zmap của Mỹ đang cho thấy những kết quả tích cực. Thử nghiệm thành công trên khỉ và linh dương đã cho thấy Zmap hiện là lựa chọn được cho là tốt nhất để điều trị bệnh Ebola và loại thuốc này cần được thử nghiệm trên người càng sớm càng tốt trước khi sử dụng đại trà.
Bên cạnh nỗ lực tìm ra vaccin hay thuốc đặc trị Ebola, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, mối quan tâm lớn nhất hiện nay vẫn là cơ sở hạ tầng y tế phục vụ cho điều trị tại các nước đang có dịch còn nghèo nàn, lạc hậu. Tình trạng thiếu nghiêm trọng bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, thuốc điều trị và trang bị bảo hộ đang làm tình hình dịch bệnh thêm tồi tệ, ngày càng khó kiểm soát.
Ngày 29/8 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước tăng cường chi ngân sách cho hệ thống y tế, chủ động đối phó trong trường hợp Ebola xâm nhập đồng thời kêu gọi gây quỹ 500 triệu USD cho hoạt động ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới hi vọng trong khoảng 6- 9 tháng tới sẽ kiểm soát được tình hình.
Trưởng nhóm giám sát việc thử nghiệm thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ thì cho rằng ngay cả khi có thuốc chủng ngừa hiệu quả thì chưa dám chắc rằng bệnh dịch sẽ được kiểm soát dứt điểm hay không. Ông nói: “Chúng ta đang chứng kiến bệnh dịch hoành hành mà chưa có vaccine hay thuốc đặc trị. Đó là một thực tế. Lúc này, những gì chúng ta đang có chỉ là khả năng kiểm soát nhiễm khuẩn một cách khiêm tốn, cách ly, kiểm dịch và tuyên truyền trong cộng đồng. Trong khi chờ vaccine và loại thuốc chữa trị căn bệnh này, mỗi người hãy tự tìm cách bảo vệ bản thân. Vì đây vẫn là giải pháp tốt nhất để chiến đấu với đại dịch gây chết người hàng loạt này”./.