GM - Biểu tượng của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ sụp đổ

Sự kiện này đánh dấu vụ phá sản lớn thứ tư trong lịch sử nước Mỹ và làm sụp đổ một trong những biểu tượng công nghiệp của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Tối qua (1/6), theo giờ Việt Nam, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ General Motors đã chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản.

Trong đơn xin bảo hộ phá sản, General Motors cho biết tổng giá trị tài sản của hãng hiện nay chỉ là 82 tỷ 300 triệu USD, trong khi hãng phải gánh các khoản nợ lên tới 172 tỷ 800 triệu USD. Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản là bước đầu tiên General Motors tiến hành trước khi thực hiện kế hoạch tái cơ cấu theo điều luật bảo hộ phá sản.

Theo kế hoạch tái cơ cấu của General Motors, dự kiến được thông qua sau 60-90 ngày, hãng sẽ thành lập một công ty mới có quy mô nhỏ gọn.

Chính phủ Mỹ sẽ rót thêm cho GM 30 tỷ USD, ngoài khoản gần 20 tỷ USD đã bơm từ trước, và giành lấy 60% cổ phần của hãng xe này. Đây được xem là vụ can thiệp lớn bất thường của Chính phủ Mỹ vào ngành công nghiệp nước này.

Trong bài phát biểu toàn quốc vào buổi trưa ngày 1/6 theo giờ Mỹ, Tổng thống Obama khẳng định, động thái can thiệp này sẽ đưa GM khỏi bờ vực sụp đổ, mặc dù quy mô của GM sau phá sản sẽ co lại rất nhiều.

Chính phủ Canada sẽ nắm giữ 12% cổ phần trong GM mới, UAW nắm 17,5%, còn các trái chủ của GM nhận được 10%.

Với động thái xin bảo hộ phá sản, GM đã “theo chân” đối thủ Chrysler - hãng xe lớn thứ ba của Mỹ sau GM và Ford - đã nộp đơn phá sản hôm 30/4 vừa qua. Chrysler đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục phá sản và sẽ kết thúc quá trình này chỉ trong vài ngày tới, với phần lớn tài sản được bán lại cho hãng xe Fiat của Italy.

“Chrysler đã tìm được một “cuộc sống” mới. Chúng tôi đã nói từ trước là quá trình này sẽ hoàn tất nhanh chóng và hiệu quả. Và đó đúng là những gì đã đạt được ngày hôm nay”, ông Obama tuyên bố.

Với vụ phá sản của GM, ông Obama chấp nhận hàng loạt những rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là việc Chính phủ Mỹ nắm 60% cổ phần trong GM, đặt tiền thuế của dân vào thế rủi ro nếu quá trình cải tổ hãng xe này không thành công. Các trợ lý của ông Obama cho hay, ông tự xem mình là một cổ đông “bất đắc dĩ” của GM và sẵn sàng bán lại cổ phần của Chính phủ Mỹ cho các nhà đầu tư tư nhân trong thời gian sớm nhất, trong khoảng 6-18 tháng tới đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên