Greenland trở thành “hố đen” an ninh khi sức hấp dẫn của Bắc Cực gia tăng

VOV.VN - Trong những thập kỷ qua, Đan Mạch và các nước láng giềng Bắc Cực đã cố gắng duy trì Greenland là khu vực “căng thẳng thấp”. Tuy nhiên, các chuyến thăm của tàu phá băng lại nhấn mạnh thêm những thách thức mới.

Vào một buổi chiều tháng 8/2017, Akitsinnguaq Ina Olsen đang tản bộ bên bến cảng Nuuk, thủ phủ của Greenland, thì một con tàu phá băng của Trung Quốc tiến vào vùng biển Bắc Cực của hòn đảo.

“Tôi vô tình nhìn thấy nó”, Oslen, 50 tuổi nói với Reuters. Bà rút điện thoại ra và chụp lại bức ảnh về con tàu phá băng Tuyết Long (Xue Long) dài 167 mét của Trung Quốc, trước khi nó quay đầu và biến mất.

Sự xuất hiện của tàu Trung Quốc là một trong số nhiều chuyến viếng thăm bất ngờ ở vùng biển Bắc Cực trong bối cảnh khu vực này đang trở thành mặt trận mới giữa các cường quốc trên thế giới nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên và các tuyến đường biển.

Cả Trung Quốc và Nga đều có những động thái đáng kể trong khu vực. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ hồi năm ngoái nói rằng đã đến lúc Mỹ hành động như một quốc gia Bắc Cực và vì tương lai Bắc Cực, các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực cũng gia tăng.

Không chỉ Nga, Trung Quốc, mà cả Mỹ và phương Tây

Từ năm 2006 đã có vài lần tàu nước ngoài xuất hiện bất ngờ trong vùng biển gần Greenland.

Trong những thập kỷ qua, Đan Mạch và các nước láng giềng Bắc Cực đã cố gắng duy trì nơi đây là khu vực “căng thẳng thấp”. Tuy nhiên, chuyến thăm của các con tàu lại nhấn mạnh thêm những thách thức mới đối với Đan Mạch và các đồng minh.

Vấn đề chính ở đây là: Rất khó để nhìn rõ điều gì đang diễn ra.

Greenland, hòn đảo mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có ý định muốn mua hồi năm ngoái, phần lớn là các phiến băng với đường bờ biển gồ ghề dài khoảng 44.000km – dài hơn cả đường xích đạo Trái Đất. Hòn đảo này gần như chìm trong bóng tối hoàn toàn trong những tháng mùa đông.

Bên dưới lớp đất đá và băng là nguồn tài nguyên dồi dào, gồm các loại khoáng sản và kim loại đất hiếm – thường được dùng trong các thiết bị, từ điện thoại thông minh tới các loại xe điện, máy bay quân sự; cũng như urani và cả nguồn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên.

Những gì Greenland có còn có nhiều hơn nguồn tài nguyên đó. Hòn đảo này nằm gần New York (Mỹ) hơn cả Los Angeles, và cũng là cánh cửa chiến lược vào không gian.

Ở Tây Bắc Greenland có căn cứ quân sự Thule của Mỹ. Đây là nơi đặt hệ thống cảnh báo tên lửa sớm, cũng như kiểm soát và giám sát không gian. Thule là một trong số ít những căn cứ trên thế giới có thể tiếp cận các vệ tinh có quỹ đạo di chuyển qua các cực của Trái Đất, bao quát được toàn cầu - điều thiết yếu cho việc dự báo thời tiết, tìm kiếm-cứu hộ và nghiên cứu khí hậu.

“Về mặt lịch sử vùng Bắc Cực có đặc điểm nổi bật là hòa bình. Điều này đang thay đổi”, Bộ trưởng Không quân Mỹ Barbara Barrett nói hồi tháng 7 khi trình bày về chiến lược Bắc Cực của Mỹ tại một hội thảo do Hội đồng Atlantic tổ chức.

Một số nước đang chế tạo các con tàu phá băng mới. Trung Quốc năm 2018 đã tự tuyên bố mình là một quốc gia “gần Bắc cực” và nói rằng nước này muốn xây dựng cơ sở hạ tầng và “tham gia vào việc quản lý Bắc Cực”.

Con tàu phá băng mà Olsen chụp lại năm 2017, do Viện nghiên cứu Bắc Cực của Trung Quốc sử dụng với mục đích thám hiểm khoa học, đã được tổ chức nghiên cứu ở Greenland mời tới. Tuy nhiên, nó không báo trước về chuyến viếng thăm này, theo người đứng đầu Bộ Tư lệnh Bắc Cực phối hợp Kim Jorgensen.

Ông Jorgensen cũng cho biết thêm, con tàu Tuyết Long này cũng đã tham gia vào một cuộc diễn tập tìm kiếm cứu hộ đa phương trong mùa hè ngắn ngủi ở Bắc Cực. Quân đội Đan Mạch đã mời và cấp giấy phép cho tàu phá băng Tuyết Long tham gia cuộc diễn tập này.

Đến năm nay, các nước đồng minh phương Tây của Đan Mạch cũng tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

Tàu khu trục Thomas Hudner, cùng Bộ Tư lệnh Bắc Cực phối hợp, đã tiến hành chuyến đi lần đầu tiên tới vịnh hẹp nước sâu gần Nuuk hồi tháng 8. Trong tháng 8 và tháng 9, một thuyền buồm thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã tiến hành tập trận chung với tàu hải quân Đan Mạch và Pháp ở bờ biển phía tây của Greenland.

Tháng trước, Đan Mạch lần đầu tiên tham gia vào cuộc tập trận quân sự quy mô lớn cùng Mỹ, Anh, Na Uy ở biển Barents gần Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen nói với Reuters rằng, Đan Mạch muốn duy trì mức “căng thẳng thấp” ở Bắc Cực, “nhưng chúng tôi không thể ngây thơ”.

Ngoài tầm radar

Một số khu vực Bắc Cực nằm trong tầm kiểm soát của vệ tinh và radar. Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, Greenland đã bị “tuột” khỏi tầm radar.

Từ 1959-1991, Greenland nằm trong khu vực bao quát của Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ, một chuỗi liên kết 63 radar và các trung tâm liên lạc trải dài 4.828km từ Tây Alaska và dọc vùng Bắc Cực của Canada. Bộ tư lệnh này có 4 hệ thống radar hoạt động trên các phiến băng của Greenland. Hai trong số này đã bị tháo dỡ, và 2 hệ thống còn lại bị bỏ không và giờ đang chìm dần vào các lớp băng.

Ngày nay, để giám sát hòn đảo rộng lớn, Greenland có 1 máy bay, 4 trực thăng và 4 con tàu. 6 xe trượt tuyết với 80 chú chó tuần tra các khu vực xa xôi ở cực Bắc.

Tháng 8/2006, một cặp vợ chồng địa phương nói rằng họ nhìn thấy một tàu ngầm trong lúc họ đi săn tuần lộc ở vịnh Qassit xa xôi ở phía nam Greenland. Cặp vợ chồng này đã báo cảnh sát và vẽ lại hình ảnh mà họ nhìn thấy. Quân đội sau đó cho rằng nó giống mẫu tàu ngầm của Nga.

Câu chuyện về chiếc tàu ngầm được nhắc đến trong một báo cáo phòng thủ Bắc Cực của Đan Mạch năm 2016, trong đó thẳng thắn nói rằng, cả vùng trời và các hoạt động dưới nước đều không được giám sát.

Năm 2018, chỉ huy đã nghỉ hưu của lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Paul Zukunft cho biết, năm 2016 một con tàu của lực lượng này từng vô tình phát hiện một cuộc tập trận chung Nga-Trung ở vùng biển Bắc Cực gần Kamchatka.

Tuy nhiên, Đại sứ Nga sau đó nói rằng không có cuộc tập trận hải quân chung nào giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc cực tại thời điểm đó.

Năm 2019, Chính phủ Đan Mạch cam kết tăng chi tiêu quân sự ở Greenland trong đó dành 321 triệu USD cho việc giám sát. Tuy nhiên, đây chỉ là “bước đi đầu tiên” và Copenhagen vẫn chưa quyết định sẽ sử dụng số tiền này như thế nào.

Tới nay, Đan Mạch vẫn không có vệ tinh giám sát việc đi lại xung quanh Greenland. Năm 2018, nước này bắt đầu nhận một số hình ảnh vệ tinh mỗi ngày từ Liên minh an toàn hàng hải châu Âu, nhưng các bức ảnh lại không đủ chi tiết để sử dụng cho các mục đích quân sự.

“Những mục tiêu tối”

Sự cân bằng ở Greenland đang ngày càng trở nên phức tạp. Suốt nhiều năm, các nhà nghiên cứu nước ngoài khá dễ dàng tiếp cận vùng biển xung quanh Greenland cũng như những vùng biển giữa Greenland, Iceland và Anh. Tất cả những gì họ cần làm là điền vào một lá đơn xin phép.

Dù vậy, năm ngoái, giới chức Đan Mạch đã không phê duyệt lá đơn của một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế do Thụy Sỹ dẫn đầu. Các nhà nghiên cứu lên kế hoạch tới Greenland trên tàu phá băng 50 Let Pobedy (50 năm chiến thắng) của Nga và sẽ có chuyến đi vòng quanh hòn đảo này.

Giới chức Đan Mạch đã để lá đơn đó hết hạn mà không phản hồi.

Hai nguồn thạo tin cho biết, Đan Mạch nghi ngờ con tàu phá băng đó, từng được sử dụng trong vài chuyến thám hiểm trước đây ở Greenland, có thể không vì mục đích khoa học mà nhằm tìm hiểu thông tin cáp quang dưới biển hoặc vẽ bản đồ đáy biển để tàu ngầm Nga có thể dễ dàng tiếp cận khu vực.

Đại sứ Barbin nói rằng Nga coi quyết định liên quan tới tàu phá băng là một sự “hiểu nhầm không may”, đồng thời nhấn mạnh rằng năm nay Đan Mạch đã đồng ý cho một tàu phá băng khác tới Greenland và quần đảo Faroe.

Ngay cả các đồng minh NATO cũng có những chuyến đi “âm thầm” ở những vùng biển rộng lớn này.

Các con tàu nước ngoài thường báo cáo hành trình đi lại qua một hệ thống tự động nhận dạng quốc tế. Khi phân tích các hình ảnh vệ tinh, Bộ Tư lệnh Bắc Cực thường nhận diện những vật thể trông giống như tàu thuyền nhưng không thể xác định được trên hệ thống là “các mục tiêu tối”.

Khi cử tàu thuyền hay trực thăng tới khu vực các “mục tiêu tối” này, họ thường thấy đó là một con tàu phá băng. Nếu các mục tiêu là tàu thuyền, thì phần lớn đó là các con tàu hải quân Mỹ không báo cáo về chuyến đi của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khoảnh khắc tảng băng bị lật, hất 2 nhà thám hiểm xuống biển ở Bắc Cực
Khoảnh khắc tảng băng bị lật, hất 2 nhà thám hiểm xuống biển ở Bắc Cực

VOV.VN - Hai nhà thám hiểm leo lên tảng băng để nghiên cứu. Tuy nhiên sau đó, tảng băng bị lật khiến họ bị hất xuống vùng biển giá lạnh ở Svalbard, Bắc Cực. Rất may không ai bị thương.

Khoảnh khắc tảng băng bị lật, hất 2 nhà thám hiểm xuống biển ở Bắc Cực

Khoảnh khắc tảng băng bị lật, hất 2 nhà thám hiểm xuống biển ở Bắc Cực

VOV.VN - Hai nhà thám hiểm leo lên tảng băng để nghiên cứu. Tuy nhiên sau đó, tảng băng bị lật khiến họ bị hất xuống vùng biển giá lạnh ở Svalbard, Bắc Cực. Rất may không ai bị thương.

Nga đưa “xe tăng Bắc Cực” vào trang bị đại trà
Nga đưa “xe tăng Bắc Cực” vào trang bị đại trà

VOV.VN - "Xe tăng Bắc Cực" T-80BVM hoàn toàn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong chiến tranh hiện đại.

Nga đưa “xe tăng Bắc Cực” vào trang bị đại trà

Nga đưa “xe tăng Bắc Cực” vào trang bị đại trà

VOV.VN - "Xe tăng Bắc Cực" T-80BVM hoàn toàn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong chiến tranh hiện đại.

Cận cảnh tàu ngầm hạt nhân Mỹ phá tung lớp băng dày tại Bắc Cực
Cận cảnh tàu ngầm hạt nhân Mỹ phá tung lớp băng dày tại Bắc Cực

VOV.VN - Tàu ngầm USS Toledo lớp Los Angeles  của Mỹ đã phá vỡ một dải băng bao phủ biển Beaufort, phía bắc Alaska, trước khi trồi lên bề mặt.

Cận cảnh tàu ngầm hạt nhân Mỹ phá tung lớp băng dày tại Bắc Cực

Cận cảnh tàu ngầm hạt nhân Mỹ phá tung lớp băng dày tại Bắc Cực

VOV.VN - Tàu ngầm USS Toledo lớp Los Angeles  của Mỹ đã phá vỡ một dải băng bao phủ biển Beaufort, phía bắc Alaska, trước khi trồi lên bề mặt.