Hạ nghị sĩ Mỹ gọi biểu tình bạo động tại khu vực Quốc hội Mỹ là “nỗ lực đảo chính”
VOV.VN - Người biểu tình đã tràn vào cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, khiến các phiên họp phải tạm dừng, các nghị sĩ sơ tán... Trên mạng Twitter, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, đại diện bang Illinois gọi đây là “một nỗ lực đảo chính”.
Ngay sau khi phiên họp quốc hội bắt đầu được một lúc thì hàng nghìn người biểu tình đã áp sát tòa nhà quốc hội và nhiều người trong số này đã tràn vào cả Thượng viện và Hạ viện, buộc phiên họp phải tạm dừng và các nghị sỹ được sơ tán tới nơi an toàn. Một số người biểu tình đã bị bắt giữ, một số nhân viên an ninh đã bị thương trong các vụ đụng độ và ít nhất một phụ nữ đã bị bắn trong tòa nhà quốc hội và người này đã tử vong sau khi được đưa đi điều trị.
Cảnh sát chống bạo động và vệ binh quốc gia Mỹ nhập cuộc
Tới nay thì lực lượng cảnh sát chống bạo động và vệ binh quốc gia đã được huy động và đã giải tán được đám đông tại tòa nhà quốc hội. Lệnh giới nghiêm đã được thực thi từ 6h tối ở Đặc khu Washington và nếu tình hình an ninh được bảo đảm thì các nghị sỹ dự kiến sẽ tiếp tục phiên họp bị gián đoạn trong tối nay. Các Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ Mỹ đều muốn quay trở lại quốc hội để có thể tiếp tục công tác kiểm phiếu đại cử tri và hy vọng có thể kết thúc hoạt động này trong ngày 6/1 và theo thông tin tôi vừa được cập nhật thì phiên họp có thể nối lại vào lúc 20h (theo giờ Mỹ).
Cần nhắc lại là, trước đây, cuộc họp như thế này hoàn toàn mang tính thủ tục và thường chỉ kéo dài từ 30 phút đến một tiếng. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay rất đặc biệt, bởi vì Tổng thống Trump và các đồng minh của ông quyết định thách thức kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn tại 6 bang chiến địa xảy ra tranh chấp (Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin). Đến trước khi phiên họp diễn ra, có 13 thượng nghị sĩ và khoảng 140 hạ nghị sĩ Cộng hòa tham gia vào nỗ lực chung nhằm “lật ngược” chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Tới nay mới chỉ có kết quả bỏ phiếu tại hai bang Alabama và Alaska được xác nhận và khi lưỡng viện quốc hội bắt đầu thảo luận riêng về kết quả bầu cử ở bang Arizona do có sự phản đối bằng văn bản của 1 Hạ nghị sỹ và 1 Thượng nghị sỹ Cộng hòa thì người biểu tình tràn vào tòa nhà khiến việc việc thảo luận bị gián đoạn.
Có thể nói là đây là một cuộc bạo loạn khi cảnh sát Quốc hội đã phải ra lệnh phong tỏa tòa nhà, phiên tranh luận của hai viện phải tạm ngừng và lực lượng an ninh phải hộ tống các nghị sĩ theo các đường hầm trong tòa nhà đến nơi trú ẩn. Một số nghị sĩ còn sử dụng cả mặt nạ chống hơi cay trong khi di tản.
>> Xem thêm: Top 9 nguy cơ an ninh toàn cầu năm 2021
Âm mưu đảo chính?
Do Tổng thống Trump và các đồng minh của ông trong Quốc hội vẫn đang tìm cách “lật ngược” chiến thắng của ông Biden, do vậy cuộc họp lưỡng viện Quốc hội đang diễn ra thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ và quốc tế. Tuy nhiên, dư luận đã bị cuốn vào cuộc biểu tình của hàng trăm nghìn người ủng hộ ông Trump trên các đường phố trung tâm thủ đô Washington từ đầu giờ sáng 6/1.
Trong bài phát biểu ngắn trước những người ủng hộ vào lúc giữa trưa, Tổng thống Trump đã khuyến khích họ tiến về trụ sở Quốc hội để phản đối lưỡng viện xác nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Không lâu sau khi phiên họp lưỡng viện Quốc hội bắt đầu, hàng trăm người đã tràn vào tòa nhà quốc hội và đụng độ với lực lượng cảnh sát quốc hội. Tổng thống đắc cử Joe Biden đã có bài phát biểu chỉ trích Tổng thống Trump đã kích động người dân gây ra tình trạng hỗn loạn và cho rằng nền dân chủ Mỹ đang bị tấn công. Ông Biden cho rằng đây không phải các hoạt động biểu tình mà là một cuộc nổi loạn.
Ngay sau bài phát biểu của ông Biden, Tổng thống Trump đã lên Twitter kêu gọi người dân giữ hòa bình và trở về nhà mặc dù vẫn cho rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp thông qua gian lận.
Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đổ lỗi cho ông Trump là người đã đổ thêm dầu vào lửa. Trên mạng Twitter, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger, đại diện bang Illinois gọi đây là “một nỗ lực đảo chính”. Thượng nghị sĩ Mitt Romney trực tiếp đổ lỗi cho Tổng thống Trump về cuộc bạo loạn, cho rằng chính ông Trump là nguyên nhân gây ra sự kiện hôm nay.
Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sĩ Chuck Schummer, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện yêu cầu Tổng thống Trump đề nghị người biểu tình ủng hộ mình sớm rời khỏi khu vực tòa nhà Quốc hội để cuộc họp xác nhận kết quả bầu tổng thống có thể được nối lại. Trên mạng xã hội Twitter, đương kim Phó Tổng thống Mike Pence nêu rõ: "Hành động bạo lực và phá hoại diễn ra tại Quốc hội Mỹ cần phải chấm dứt ngay lập tức. Bất kỳ ai liên quan cũng phải tôn trọng lực lượng thực thi pháp luật và lập tức rời khỏi tòa nhà. Biểu tình ôn hòa là quyền của mọi người dân Mỹ, song vụ tấn công trụ sở Quốc hội sẽ không được dung thứ và những kẻ liên quan sẽ bị truy tố theo pháp luật".
Dư luận đang trông chờ Tổng thống Trump thể hiện trách nhiệm cá nhân, lên truyền hình quốc gia để kêu gọi những người ủng hộ mình giải tán khu vực trụ sở Quốc hội và trở về nhà, sau khi các chính trị gia của cả hai đảng đã hối thúc ông hành động như vậy./.