Hạ viện Mỹ thông qua Dự Luật Cải cách Y tế lịch sử

Việc thông qua Dự Luật này cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến về cải cách y tế giữa hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa kéo dài nhiều thập kỷ qua

>> Tổng thống Mỹ Obama: Dự luật cải cách y tế sẽ được thông qua

Sau gần 1 năm tranh cãi gay gắt ở cả Hạ và Thượng viện Mỹ, ngày 21/3 (theo giờ Washington), Hạ viện Mỹ đã chính thức bỏ phiếu thông qua Dự Luật Cải cách Y tế do Tổng thống Barack Obama khởi xướng.

Ngược trở lại lịch sử nước Mỹ cách đây gần 1 thế kỷ, năm 1912 khi Tổng thống Theodore Roosevelt - Tổng thống thứ 26 của Mỹ muốn chạy đua vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Roosevelt đã đưa ra chiến dịch tranh cử cung cấp bảo hiểm y tế cho toàn bộ người dân Mỹ, tuy nhiên ông đã không đắc cử. Trong suốt 16 đời Tổng thống Mỹ tiếp theo, rất nhiều người mong muốn thực hiện dự án này song không một ai thành công. Đối với Tổng thống Obama, ngay từ khi nhậm chức đã đặt dự án cải cách y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội của ông và ông liên tục vận động để thông qua Dự Luật đó.

Phát biểu sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Dự Luật này, Tổng thống Obama nói: “Tôi biết rằng đây là một công việc không dễ đối với nhiều người nhưng là một công việc đúng cần làm. Nó chứng tỏ rằng chính phủ của chúng ta là của người dân, vì người dân và phục vụ nhân dân”.

Dự án Cải cách Y tế của chính quyền Tổng thống Obama nhằm hỗ trợ bảo hiểm y tế cho khoảng 32 triệu người dân Mỹ, giảm chi phí bảo hiểm, tăng tiền thuế đối với những người giàu, thành lập các công ty bảo hiểm nhà nước đã gây ra nhiều tranh cãi suốt trong gần 1 năm qua tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Không một  nghị sỹ  nào của Đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho Dự Luật này vì cho là tốn kém và không hiệu quả. Ông John Boehner, Hạ nghị sỹ bang Ohio phản đối: “Hãy nhìn vào cách Dự Luật được soạn thảo, có ai khẳng định rằng nó được thực hiện một cách công khai, minh bạch và đáng tin không? Nó chỉ là sự thỏa thuận ngầm bên trong những cuộc họp kín”.

Tuy nhiên, nhiều người Mỹ rất vui khi Dự Luật này được thông qua. Cô Laurie Gogan - một chủ của doanh nghiệp cho biết: “Tôi đã gửi thư đến bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thúc giục bà thông qua Dự Luật này bởi vì nó rất quan trọng. Khi tôi 40 tuổi thì phí bảo hiểm tôi phải trả sẽ cao gấp đôi. Do vậy tôi có thể không có bảo hiểm nếu họ không thông qua Dự Luật này”.

Trong khi đó một bộ phận người Mỹ lại cho rằng, Quốc hội Mỹ không thể ngay lập tức khắc phục được những bất cập hiện nay của hệ thống bảo hiểm y tế của nước này. Anh Ken Luther - một sỹ quan quân đội ở bang Michigan cho biết: “Tôi nghĩ rằng, Luật này không đáp ứng được kỳ vọng cung cấp bảo hiểm cho mọi người dân Mỹ, đặc biệt là với hơn 30 triệu người hiện nay không có bảo hiểm. Dự án này sẽ không đáp ứng ngay được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên tôi cũng cho rằng, Quốc hội cũng đang đi đúng hướng”.

Theo Luật vừa được thông qua, mọi người dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm y tế hoặc sẽ bị phạt khoảng 700 USD một năm, Chính phủ Mỹ cũng sẽ hỗ trợ cho người nghèo nhưng sẽ đánh thêm thuế đối với những người có thu nhập cao.  Ông Peter Verenato ở bang Virginia thì phản đối Dự Luật này và cho rằng, Quốc hội Mỹ đã đi quá thẩm quyền của họ. Ông Peter nói: “Tôi không thể tự do lựa chọn bảo hiểm y tế tôi muốn, tôi sẽ được chỉ định đến khám bác sỹ nào, mua loại bảo hiểm nào và tôi sẽ bị phạt nếu không mua bảo hiểm, và tôi cứ phải chạy theo những chuyện như thế”.

Trên thực tế ngày 22/3 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu 2 lần. Một lần bỏ phiếu thông qua Dự Luật do Thượng viện Mỹ thông qua tháng 12/2009 và bỏ phiếu Dự Luật điều hòa do chính Hạ viện sửa đổi từ phiên bản của Thượng viện. Dự án này tiêu tốn khoảng 940 tỷ USD trong vòng 10 năm và dự kiến sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 1.300 tỷ USD trong 20 năm tới. Tổng thống Mỹ Obama cho biết, việc thông qua Dự luật cải cách y tế này là một nỗ lực có ý nghĩa nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang lớn nhất kể từ năm 1990 và ông sẽ sớm phê ban hành Luật này.

Giới phân tích chính trị thì cho rằng, việc Tổng thống Obama thông qua được Dự Luật cải cách y tế chính là ông đã giúp cho Đảng Dân chủ tránh được sự thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Và một điều quan trọng khác là ông đã làm được việc mà nhiều Tổng thống trước không làm được. Ông Obama đã giành được một chỗ  đứng trong sách lịch sử của Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên