Hải quân Mỹ cảnh giác cao độ, nói Trung Quốc là mối đe dọa số 1
VOV.VN - Hải quân Mỹ cảnh giác cao độ về những tham vọng của Trung Quốc, đồng thời gọi quốc gia này là mối đe dọa số 1 thách thức vị thế trên biển của Washington.
Một báo cáo mới đây của Hải quân Mỹ đã gọi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược dài hạn số 1 và là thách thức cấp bách nhất đe dọa vị thế trên biển của Mỹ, nhất là tại châu Á.
Báo cáo "Advantage at Sea" (Tạm dịch là “Ưu thế trên biển”) được công bố hôm 17/12 đã đưa ra một bản đánh giá toàn diện về chiến lược hàng hải của Mỹ và những thách thức trong tương lai. Đây là lần đầu tiên một tài liệu như vậy được công bố kể từ năm 2015.
Báo cáo trên cũng "tập trung vào Nga và Trung Quốc", đồng thời gọi 2 quốc gia này là "hai mối đe dọa đáng kể nhất với sự hòa bình và thịnh vượng toàn cầu trong kỷ nguyên này".
Dù vậy, Hải quân Mỹ khẳng định Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là mối đe dọa lớn nhất. "Chúng tôi ưu tiên việc cạnh tranh với Trung Quốc do sự gia tăng về sức mạnh kinh tế và quân sự, các hành vi ngày càng quyết đoán, toan tính thống trị các vùng biển khu vực cũng như việc viết lại trật tự thế giới theo hướng có lợi cho mình của Trung Quốc", báo cáo trên cho hay.
"Cho tới khi Trung Quốc chọn hành động như một bên tham gia có trách nhiệm thay vì phô trương quyền lực nhằm thúc đẩy các lợi ích của mình, Bắc Kinh vẫn là mối đe dọa toàn diện nhất với Mỹ, các đồng minh của chúng ta và tất cả các quốc gia ủng hộ một hệ thống mở và tự do".
Trung Quốc đã gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng mặc dù chi tiêu hàng năm của nước này ở khoảng 261 tỷ USD, vẫn ít hơn nhiều so với con số 686 tỷ USD của Mỹ.
Dù vậy, sự mở rộng về quân sự cũng như các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc với các tranh chấp về lãnh thổ như tại Biển Đông và dãy Himalaya đã khiến các quan chức quân đội và các nhà lập pháp Mỹ cảnh giác.
Lực lượng hải quân mới của Trung Quốc, hay còn được gọi là “Hải quân Biển Xanh” (Blue-water Navy - Đây là một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà - ND), là trung tâm chiến lược của Bắc Kinh trong nỗ lực thách thức vị thế của Mỹ tại châu Á.
Cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc từ lâu đã được các chuyên gia về chính sách đối ngoại và các nhà lập pháp thừa nhận nhưng việc này được thể hiện rõ ràng và công khai hơn dưới thời Tổng thống Trump và trong suốt đại dịch Covid-19.
Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng khẳng định sẽ đối phó với nỗ lực bành trướng lãnh thổ, các hành vi thương mại bất bình đẳng và các vấn đề về nhân quyền của Trung Quốc khi ông nhậm chức. Hầu hết các chuyên gia đều coi thách thức Trung Quốc là một cạnh tranh mang tính thế hệ chứ không chỉ là sự đối đầu trong chốc lát.
Báo cáo của Hải quân Mỹ cho biết lực lượng này sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ. "Trung Quốc đã thực hiện một chiến lược nhằm vào trung tâm quyền lực hàng hải của Mỹ", báo cáo trên cho hay.
"Trung Quốc tìm cách làm xói mòn sự quản trị hàng hải thế giới, từ chối tiếp cận các trung tâm hậu cần truyền thống, cản trở tự do trên biển, kiểm soát việc sử dụng các vị trí án ngữ trọng yếu, ngăn cản sự can thiệp của chúng ta với các tranh chấp khu vực và thay thế vị trí của Mỹ với vai trò như một đối tác được các quốc gia khác yêu thích hơn trên thế giới", tài liệu của Hải quân Mỹ đánh giá./.