Hai thỏa thuận hòa bình lịch sử - thành tựu đối ngoại nổi bật của ông Trump
VOV.VN - Dưới sự trung gian của Mỹ, Israel vừa chính thức ký thỏa thuận hòa bình với UAE và Bahrain tại Washington.
Thành tựu nổi bật của Tổng thống Trump
Lễ ký chính thức hai thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và giữa Israel với Bahrain là một trong những sự kiện nổi bật nhất, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Để đi đến hai thỏa thuận lịch sử này không thể phủ nhận vai trò “mối lái” thành công của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Các chính quyền Mỹ tiền nhiệm, cả Cộng hòa và Dân chủ, đều đã nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa Israel và thế giới Arab, song chưa có chính quyền nào đạt được thành công lớn và diễn ra gần liên tiếp như lần này, điều đó xuất phát từ hai lý do chính:
Thứ nhất, đó là thành quả từ nỗ lực “ngoại giao con thoi” thời gian qua của cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn cao cấp Nhà TrắngJared Kushner, người đồng thời là con rể của Tổng thống Donald Trump. Đáng chú ý là các chuyến công du Trung Đông của cả ông Pompeo và Kushner được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại Mỹ và các nước trong khu vực.
Thứ hai, đó còn là “nhành ô-liu” mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump chìa ra cho hai quốc gia Arab. Ông William Hartung, Giám đốc Chương trình Vũ khí và An ninh tại Trung tâm Chính sách Quốc tế có trụ sở tại Washington DC, cho rằng các hợp đồng bán vũ khí là một “nhân tố quan trọng” dẫn đến hai thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất từ lâu đã mong muốn có được các máy bay chiến đấu F-35 và số lượng lớn hơn các loại máy bay không người lái của Mỹ nhưng Washington không thể bán bởi vì cam kết duy trì lợi thế quân sự của Israel trong khu vực. Bahrain chắc chắn cũng được hưởng lợi từ hoạt động chuyển giao vũ khí của Mỹ, nhất là từ khi Chính quyền Tổng thống Donal Trump gỡ bỏ lệnh cấm bán các máy bay chiến đấu F-16 cho nước này và do vậy trong chừng mực nào đó, Bahrain nể phục ông Trump. Không lâu sau khi lên nắm quyền năm 2017, ông Trump đã quyết định bán các máy bay F-16s cho Bahrain mà không gắn với điều kiện về nhân quyền.
Tác động đến chiến lược của Mỹ
Việc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain đồng ý ký thỏa thuận hòa bình với Israel được kỳ vọng tạo xung lực cho sự ra đời thỏa thuận hòa bình tiếp theo giữa Israel và các thành viên khác thuộc Khối Arab. Tuy nhiên, để có được kết quả đó một lần nữa cần nhấn mạnh vai trò của Cố vấn cao cấp Nhà Trắng Jared Kushner-kiến trúc sư trưởng của Kế hoạch Hòa bình Trung Đông.
Jared Kushner và nhóm nhỏ của ông xứng đáng được ghi nhận công lao to lớn vì đã khởi xướng và duy trì nỗ lực thành công nhất của Mỹ trong việc kiến tạo hòa bình Trung Đông kể từ hiệp định hòa bình Israel-Jordan năm 1994. Đặc biệt, sáng kiến của Kushner trong việc tổ chức Hội nghị “Hòa bình đến thịnh vượng” tại thủ đô Manama, Bahrain vào tháng 6/2019, đã tạo tiền đề cho Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cùng bình thường hóa quan hệ với Israel lần này.
Mặc dù hiện chưa có gì đảm bảo, song sẽ không gây ngạc nhiên nếu việc bình thường hóa quan hệ giữa Oman và Israel diễn ra tiếp theo và cũng không có gì ngạc nhiên khi chứng kiến một thỏa thuận tương tự giữa Israel và Ma Rốc. Câu hỏi lớn nhất đặt ra hiện nay là liệu có một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, quốc gia được xem là “anh cả”, đóng vai trò dẫn dắt chính sách đối ngoại của Khối Arab. Bình thường hóa quan hệ với Israel có thể là một bước đi quá xa đối với Chính phủ Saudi Arabia, nhưng nước này cũng đang cho thấy một quan điểm cởi mở hơn trong quan hệ với Israel.
Mang lại lợi thế cho ông Trump trước bầu cử
Lịch sử các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã chứng minh rằng chính sách sách đối ngoại hiếm khi là vấn đề quan tâm hàng đầu và tác động lớn tới quyết định bầu cho ứng cử viên nào của cử tri Mỹ trong ngày tổng tuyển cử. Tuy nhiên, để có thể phần nào thuyết phục cử tri Mỹ về thành tựu đã đạt được trong gần bốn năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Donald Trump vẫn cần có “điểm nhấn” về chính sách đối ngoại, qua đó mở ra cơ hội tiếp tục tại vị thêm bốn năm nữa.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trong trạng thái đối đầu toàn diện; tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên gần như bế tắc hoàn toàn; xung đột với Iran có nguy cơ nổ ra bất cứ lúc nào; quan hệ với Nga và thậm chí giữa Mỹ với các nước đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương luôn trong trạng thái căng thẳng, do vậy việc đạt được những bước đột phá trong Kế hoạch Hòa bình Trung Đông sẽ giúp ông Trump ghi điểm trước cử tri Mỹ trên mặt trận đối ngoại.
Quan trọng hơn, hai thỏa thuận hòa bình lịch sử vừa ký kết giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain, thậm chí còn có thêm các thỏa thuận khác được công bố trước ngày 3/11, sẽ giúp ông Trump giành được sự ủng hộ lớn hơn từ cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái. Cộng đồng này tuy không đông song luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào, dù là người của đảng Cộng hòa hay Dân chủ./.