Hamas yêu cầu Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ cho thỏa thuận ngừng bắn
VOV.VN - Truyền thông Israel và phương Tây cáo buộc lực lượng Hamas đang gây khó khăn cho tiến trình đàm phán tiến tới thỏa thuận ngừng bắn, bằng việc đưa ra yêu cầu điều chỉnh và bổ sung một số nội dung trong đề xuất ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ công bố và được Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.
Theo đài phát thanh Kan của Israel, một trong những yêu cầu mà Hamas đưa ra như điều kiện để tiến tới thỏa thuận ngừng bắn là phải có sự đảm bảo của 3 nước Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đối với thỏa thuận. Bên cạnh đó, Hamas cũng yêu cầu một lộ trình thời gian cụ thể cho lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, đồng thời rút quân đội Israel ra khỏi toàn dải Gaza, bao gồm cửa khẩu Rafah và hành lang Philadelphi phân cách giữa dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập, thay vì chỉ rút khỏi các khu vực đông dân cư ở Gaza trong giai đoạn 1 của thỏa thuận ngừng bắn 3 giai đoạn được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 31/5 và được Nghị quyết ngày 10/6 của Hội đồng ban an Liên hợp quốc ủng hộ.
Nguồn tin Israel khẳng định, giới chức nước này và Mỹ đã bác bỏ yêu cầu thứ nhất của Hamas về vai trò bảo trợ thỏa thuận ngừng bắn của 3 nước Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chưa rõ quan điểm cụ thể của Mỹ và Israel đối với các yêu cầu mới bổ sung khác của Hamas. Trong một tuyên bố với báo giới tại Qatar chiều qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng xác nhận Hamas đã yêu cầu bổ sung một số nội dung mới vào đề xuất ngừng bắn, trong đó có những yêu cầu được đánh giá là không khả thi.
Liên quan đến căng thẳng dọc biên giới Israel-Lebanon, Lực lượng Phòng vệ Israel tối qua xác nhận, Phong trào Hezbollah ở Lebanon trong ngày đã bắn tổng cộng 215 quả tên lửa các loại sang khu vực miền Bắc Israel, đánh dấu ngày tấn công ác liệt nhất của nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn sang lãnh thổ Israel kể từ đầu đợt giao tranh qua biên giới bùng phát tháng 10/2023. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã bắn hạ một số lượng đáng kể số vũ khí của Hezbollah, số còn lại chủ yếu rơi vào khu vực trống trải và không gây ra bất kỳ thương vong nào. Quân đội Israel đã đáp trả bằng nhiều cuộc không kích dữ dội vào miền Nam Lebanon, phá hủy nhiều mục tiêu của Hezbollah như các cấu trúc quân sự, kho chứa, bệ phóng tên lửa…
Nhiều nhà phân tích lo ngại, cục diện đối đầu giữa Israel và Hezbollah đang ngày càng tiến gần hơn tới một cuộc xung đột toàn diện, tương tự như cuộc chiến thảm khốc mùa hè năm 2006 khiến hàng nghìn người thương vong.