Hàn Quốc đưa Dokdo vào Sách Trắng
(VOV) - Giữa lúc đặc phái viên Nhật Bản đến Hàn Quốc thì một quan chức Hàn Quốc lại nói về tranh chấp đảo giữa 2 nước.
Hãng tin Kyodo ngày 21/12 cho hay, Thủ tướng Nhật Bản trong tương lai Shinzo Abe cho biết cựu Bộ trưởng Tài chính Nhật là Fukushiro Nukaga thuộc LDP có chuyến thăm Hàn Quốc cùng ngày với tư cách là đặc phái viên giúp hàn gắn quan hệ song phương
Cựu Bộ trưởng Nukaga, đồng thời là Tổng Thư ký Liên minh nghị viện Nhật-Hàn, sẽ mang một bức thư trao cho bà Park Geun-hye (Ảnh fccj.or.jp) |
Động thái trên diễn ra sau chiến thắng của bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 19/12. Ông Abe cho biết cựu Bộ trưởng Nukaga, đồng thời là Tổng Thư ký Liên minh nghị viện Nhật-Hàn, sẽ mang một bức thư trao cho bà Park Geun-hye, trong đó đề nghị sớm tổ chức cuộc gặp với ông Abe. Ông Abe tuyên bố: "Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào nữ Tổng thống đầu tiên này của Hàn Quốc. Chúng tôi cử ông Nukaga tới Hàn Quốc với hy vọng hàn gắn và phát triển quan hệ song phương".
Quan hệ song phương Nhật - Hàn đã xấu đi kể từ thời điểm tháng 8 vừa qua sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm hai hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp trên Biển Nhật Bản mà Tokyo gọi là Takeshima, còn Seoul gọi là Dokdo.
Đưa ảnh Dokdo/Takeshima vào Sách Trắng quốc phòng
* Trong khi đó, một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21/12 cho biết nước này đã đưa ảnh cuộc tập trận hải quân xung quanh hai đảo nhỏ thuộc quần đảo Dokdo/Takeshima vào Sách Trắng Quốc phòng mới của Hàn Quốc nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ các đảo này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, quan chức phụ trách chính sách quốc phòng của bộ trên cho biết: "Ngoài ảnh về các chuyến bay tuần tra trên bầu trời các đảo được đưa vào Sách Trắng Quốc phòng lần trước, ảnh tập trận hải quân cũng được đưa vào Sách Trắng năm nay".
Sách Trắng Quốc phòng Hàn Quốc, được công bố hai năm một lần, đã mô tả các đảo trên là phần lãnh thổ không thể tách rời của Hàn Quốc "về địa lý, lịch sử và căn cứ theo luật quốc tế". Sách Trắng còn cho rằng "đòi hỏi không chính đáng" của Nhật Bản đối với lãnh thổ cực Đông này của Hàn Quốc cũng như quan điểm lịch sử khác biệt của Nhật Bản về giai đoạn chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945) vẫn là những rào cản đối với trao đổi và hợp tác quân sự giữa hai nước./