Thỏa thuận chiến lược Mỹ - Anh đã xứng tầm quan hệ đồng minh?

VOV.VN - Sau những sóng gió trong quan hệ song phương liên quan đến lĩnh vực kinh tế - thương mại “hậu Brexit”, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Rishi Sunak trên cương vị Thủ tướng Anh là cơ hội để hai bên hâm nóng quan hệ và thể hiện tình đoàn kết trước các thách thức mới.

“Tuyên bố Đại Tây Dương” mà hai nhà lãnh đạo đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm phần nào đã cho thấy quyết tâm của Mỹ và Anh. Tuy nhiên, liệu thỏa thuận này đã đủ xứng tầm với mối quan hệ đồng minh lâu năm truyền thống?

Tuyên bố Đại Tây Dương

“Tuyên bố Đại Tây Dương” được Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak công bố trong tuần qua nhân chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Rishi Sunak chưa phải là một thoả thuận chi tiết về mối quan hệ kinh tế-an ninh sắp tới giữa Mỹ và Anh. Tuy nhiên, tuyên bố này cũng đã hé lộ một số điểm chính liên quan đến việc Mỹ sẽ gỡ bỏ một số rào cản về thương mại, cho phép các công ty Anh xâm nhập vào thị trường Mỹ và được hưởng các lợi thế về chính sách, trợ cấp gần như tương đương các công ty Mỹ.

Một ví dụ rõ nhất là hai bên sẽ ngay lập tức thảo luận một thoả thuận giảm thiểu mọi tác động của “Đạo luật giảm lạm phát” (IRA) của Mỹ đối với các công ty Anh. Theo IRA, các công ty Mỹ hoặc từ các nước có thoả thuận riêng với Mỹ khi đầu tư vào Mỹ trong một số lĩnh vực công nghiệp chiến lược, như ô tô điện, sẽ được hưởng chính sách thuế ưu đãi và trợ cấp lên tới 7.500 USD cho mỗi khách hàng mua ô tô điện của các công ty này.

Đây là một chính sách bảo hộ công khai và rõ rệt của phía Mỹ nhằm tạo lợi thế cho các công ty Mỹ, thu hút đầu tư vào Mỹ, và là chính sách bị chính các đồng minh của Mỹ, từ châu Âu đến Nhật, Hàn Quốc… phản đối quyết liệt. Tuy nhiên, nếu Vương quốc Anh được Mỹ chấp thuận hưởng lợi từ IRA thì các công ty sản xuất ô tô điện của Anh cũng được hưởng các ưu đãi thuế, trợ cấp tương tự, có thể là một nửa số tiền 7.500 USD cho mỗi xe ô tô điện bán ra. Đây là một trong những ví dụ rõ nhất về việc Anh được Mỹ cho phép bước vào quỹ đạo kinh tế của Mỹ.

Ngoài ra, chính quyền của ông Joe Biden cũng sẽ mở cửa cho các công ty Anh tham gia vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, qua đó cùng Mỹ theo đuổi các chương trình vũ khí tinh vi, các chương trình hạt nhân dân sự, hay cùng Anh thiết lập chuỗi cung ứng các nguyên liệu đầu vào thiết yếu. Hai bên cũng đạt thoả thuận về việc công nhận chất lượng kỹ sư của nhau, hợp tác trong các lĩnh vực như 5G, 6G, điện toán lượng tử, bán dẫn hay sinh học. Đơn giản như một thoả thuận về bảo vệ dữ liệu cũng sẽ giúp các công ty Anh-Mỹ giảm bớt chi phí, tiết kiệm khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Có thể nói, đây là một loạt các thoả thuận chi tiết siết chặt hơn quan hệ kinh tế giữa Anh và Mỹ.    

Thông điệp của Tổng thống Mỹ       

Thông điệp “không có quốc gia nào gần gũi về tầm quan trọng như Anh đối với Mỹ” của Tổng thống Biden được thể hiện tương đối rõ nét trong chuyến thăm của ông Sunak đến Mỹ lần này. Về mặt cá nhân, thông điệp của Tổng thống Mỹ cũng hoàn toàn chính xác và hợp lý khi ông Biden là người gốc Ireland và Anh. Mẹ ông, bà Catherine Eugenia Biden là người gốc Ireland trong khi ông nội Joseph H. Biden là người gốc Anh, Pháp và Ireland.

Cũng như những người tiền nhiệm, giới lãnh đạo Anh luôn đánh giá rất cao việc Mỹ đứng ra đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán chính trị giữa các đảng phái ở Bắc Ireland để đi tới việc ký kết thỏa thuận “Ngày Thứ Sáu tốt lành” cách đây vừa tròn 25 năm, giữ Bắc Ireland ở lại với Anh thay vì tách ra để sáp nhập với Cộng hòa Ireland. Ngay từ khi còn giữ chức Phó Tổng thống, ông Biden đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp ổn định xung đột tại Bắc Ireland.

Việc đón tiếp trọng thị Thủ tướng Sunak cũng là sự thể hiện thông điệp trên của Tổng thống Biden. Bên cạnh các nghi lễ nhà nước cấp cao nhất, ông Sunak đã được bố trí ở tại Blair House, nhà khách chính thức của Tổng thống, nằm ngay đối diện Nhà Trắng. Ông Sunak cũng là Thủ tướng đầu tiên kể từ sau ông David Cameron, người đã lãnh đạo Vương quốc Anh từ năm 2010 đến 2016, được mời ở lại nơi được mệnh danh là “khách sạn sang trọng nhất thế giới”. Trong chuyến thăm mặc dù rất ngắn ngày nhưng ông Sunak đã tổ chức một cuộc họp báo chung hiếm hoi với Tổng thống Biden, đồng thời nhận lời mời xem một trận đấu bóng chày tại Mỹ. Sự kiện này cũng tạo thêm dấu ấn cho chuyến thăm mang tính “hữu nghị” của Thủ tướng Anh.

Một khía cạnh khác, chuyến thăm Mỹ và được ông Biden đón tiếp trọng thị cũng là cơ hội quan trọng để thể hiện vai trò chính khách quốc tế đối với ông Sunak. Việc xuất hiện bên cạnh Tổng thống Mỹ không chỉ có ích cho hình ảnh toàn cầu của Thủ tướng Sunak mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy quan hệ giữa Anh với các nước khác, không chỉ là các thỏa thuận thương mại mà còn là các thỏa thuận đầu tư, hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Có thể thấy rằng đánh giá chung thì thông điệp của Tổng thống Biden đã được truyền tải khá đầy đủ, thể hiện rõ quan điểm cá nhân gắn bó đối với Thủ tướng Sunak và chính sách đối ngoại của Mỹ khẳng định quan hệ chặt chẽ với nước Anh.

Thỏa thuận chiến lược Mỹ - Anh đã xứng tầm quan hệ đồng minh?

Giới quan sát tại Anh nhìn chung đánh giá khá tích cực về “Tuyên bố Đại Tây Dương” mà ông Rishi Sunak có được sau chuyến thăm Mỹ, coi đây là một thắng lợi về đối ngoại của chính phủ Anh. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến cũng đều cho rằng, “Tuyên bố Đại Tây Dương” là chỉ dấu cho thấy, chính phủ đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đã chấp nhận hài lòng với một loạt các thoả thuận kinh tế nhỏ trong từng lĩnh vực cụ thể và từ bỏ hoàn toàn tham vọng nêu ra từ năm 2019 là đạt được một thoả thuận thương mại tự do toàn diện hậu Brexit với Mỹ.

Điều này có thể xuất phát từ việc phía Anh đã nhận thấy rằng, nỗ lực theo đuổi một FTA toàn diện với quy mô lịch sử với Mỹ là không khả thi với chính quyền của ông Joe Biden, một mặt là do các yêu cầu quá lớn từ phía các tập đoàn Mỹ, mặt khác là do chính quyền Mỹ hiện nay đã thể hiện rõ ràng xu hướng quay lưng với các chính sách thương mại tự do để trở về với xu hướng bảo hộ, thể hiện rõ nhất thông qua “Đạo luật giảm lạm phát”.

Nói cách khác, thay vì theo đuổi thương mại tự do, chính phủ Anh hiện nay cũng chuyển sang hài lòng với việc cùng duy trì chủ nghĩa bảo hộ với Mỹ, miễn là lợi ích kinh tế của Anh phần nào được đảm bảo. Đây cũng có thể xem là một sự hạ cấp đáng kể về mặt tham vọng của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh, vốn trước đây chủ trương xây dựng một “nước Anh toàn cầu” (Global Britain), theo đuổi các hiệp định thương mại tự do khắp thế giới. 

Dĩ nhiên, cũng đã có những chỉ trích gay gắt từ phía các đảng đối lập tại Anh về việc “Tuyên bố Đại Tây Dương” không đủ sức nặng kinh tế, chính trị, không xứng tầm với quan hệ đồng minh truyền thống đặc biệt giữa Anh và Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm mà mọi chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở đặt lợi ích của Mỹ trên hết và nhằm phục vụ cuộc đối đầu cường quốc với Trung Quốc, Nga thì việc Anh được trao cho những đặc quyền nhất định trong quan hệ kinh tế với Mỹ cũng có thể xem là một điều không dễ dàng có được, cho thấy Mỹ vẫn đặt Anh cao hơn nhiều đồng minh quan trọng khác trong thế giới phương Tây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Mỹ hội đàm, bàn hợp tác sản xuất thiết bị quân sự
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Mỹ hội đàm, bàn hợp tác sản xuất thiết bị quân sự

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 5/6 có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại New Delhi để thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng song phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Mỹ hội đàm, bàn hợp tác sản xuất thiết bị quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Mỹ hội đàm, bàn hợp tác sản xuất thiết bị quân sự

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 5/6 có cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại New Delhi để thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng song phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đức thăm Ấn Độ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đức thăm Ấn Độ

VOV.VN - Hôm nay (4/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới New Delhi bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đức thăm Ấn Độ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Đức thăm Ấn Độ

VOV.VN - Hôm nay (4/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới New Delhi bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 2 ngày.

Mỹ lấy làm tiếc việc Trung Quốc từ chối cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước
Mỹ lấy làm tiếc việc Trung Quốc từ chối cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, ông đáng tiếc là phía Trung Quốc đã từ chối cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Mỹ lấy làm tiếc việc Trung Quốc từ chối cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước

Mỹ lấy làm tiếc việc Trung Quốc từ chối cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc phòng hai nước

VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, ông đáng tiếc là phía Trung Quốc đã từ chối cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước.

Đánh giá khả năng Mỹ cung cấp cho Ukraine vũ khí “thay đổi cục diện chiến trường”
Đánh giá khả năng Mỹ cung cấp cho Ukraine vũ khí “thay đổi cục diện chiến trường”

VOV.VN - Tổng thống Joe Biden đã gợi ý rằng, trong tương lai Mỹ có thể sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa tầm xa mà Kiev mong muốn có được để đẩy lùi lực lượng Nga.

Đánh giá khả năng Mỹ cung cấp cho Ukraine vũ khí “thay đổi cục diện chiến trường”

Đánh giá khả năng Mỹ cung cấp cho Ukraine vũ khí “thay đổi cục diện chiến trường”

VOV.VN - Tổng thống Joe Biden đã gợi ý rằng, trong tương lai Mỹ có thể sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa tầm xa mà Kiev mong muốn có được để đẩy lùi lực lượng Nga.

Nội bộ chính trường Mỹ trong xung đột Nga - Ukraine
Nội bộ chính trường Mỹ trong xung đột Nga - Ukraine

VOV.VN - Mỹ là nước ủng hộ hàng đầu cho Ukraine trong xung đột quân sự với Nga. Tuy nhiên, bên cạnh những đồng thuận, Mỹ cũng chứng kiến sự chia rẽ nội bộ. Tiến sĩ Lê Lan Anh thuộc Viện nghiên cứu châu Mỹ (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích về vấn đề này.

Nội bộ chính trường Mỹ trong xung đột Nga - Ukraine

Nội bộ chính trường Mỹ trong xung đột Nga - Ukraine

VOV.VN - Mỹ là nước ủng hộ hàng đầu cho Ukraine trong xung đột quân sự với Nga. Tuy nhiên, bên cạnh những đồng thuận, Mỹ cũng chứng kiến sự chia rẽ nội bộ. Tiến sĩ Lê Lan Anh thuộc Viện nghiên cứu châu Mỹ (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích về vấn đề này.