Hàng trăm người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình lan rộng tại nước Mỹ
VOV.VN - Hàng trăm người biểu tình đã bị bắt giữ ở nhiều thành phố khác ở Mỹ bao gồm New York, Oakland, Chicago, Los Angeles và Atlanta.
Các cuộc biểu tình phản đối việc cảnh sát sát hại một người da màu ở thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ. Hàng trăm người đã bị bắt giữ trong các vụ đụng độ với cảnh sát.
Biểu tình đòi công lý cho người đàn ông ở thành phố Minneapolis là George Floyd bị cảnh sát ghì chết. Ảnh: Reuters |
Derek Chauvin, viên cảnh sát đã ghì cổ người đàn ông da màu George Floyd khiến người này tử vong, đã bị buộc tội giết người mức độ 3 và ngộ sát mức độ 2. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân không đồng tình và muốn tăng mức án dành cho viên cảnh sát này.
Tổng chưởng lý bang Minnesota Keith Ellison cho biết quá trình buộc tội cảnh sát viên Derek Chauvin mới chỉ bắt đầu. Theo ông Ellison, viên cảnh sát này có thể sẽ phải đối mặt thêm các tội danh khác và có thể có những người khác cũng sẽ bị buộc tội. Gia đình nạn nhân đã yêu cầu buộc tội Dereck Chauvin giết người mức độ 1 và 3 nhân viên cảnh sát khác tại hiện trường cũng phải bị bắt giữ.
Phát biểu với báo giới ngày 30/05, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cho biết các phần tử cấp tiến bạo lực đã lợi dụng những tiếng nói biểu tình hòa bình để gây ra bạo loạn ở nhiều thành phố trên toàn nước Mỹ.
Ông William Barr nhấn mạnh:“Trách nhiệm trong vụ việc này phải được làm rõ và đang được làm rõ thông qua hệ thống pháp lý hình sự ở cả cấp tiểu bang và liên bang. Tiểu bang đã đưa ra các tội danh ban đầu và quá trình này sẽ tiếp tục được thực hiện cho tới khi công lý được thực thi. Các nhóm cấp tiến và kích động ngoài bang đã lợi dụng tình hình để theo đuổi các mục tiêu bạo lực và riêng rẽ của mình. Ở nhiều nơi, các hoạt động bạo lực được lên kế hoạch, tổ chức và dẫn dắt bởi các nhóm cực đoan cánh tả và vô chính phủ, sử dụng các cách thức giống như Antifa. Nhiều người trong số này đã tới từ những nơi khác để kích động bạo lực.”
Bộ trưởng William Barr cho biết ngăn chặn bạo lực là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và tiểu bang, tuy nhiên chính phủ liên bang sẽ tiếp tục hỗ trợ và sẽ thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm luật pháp liên bang.
Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các thống đốc và thị trưởng cứng rắn hơn với người biểu tình hoặc chính phủ liên bang sẽ can thiệp và thực hiện những biện pháp cần thiết bao gồm sử dụng sức mạnh quân sự và bắt giữ người biểu tình. Ông Trump nhấn mạnh, việc kích động bạo lực là một tội danh liên bang.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở ít nhất 30 thành phố trên toàn nước Mỹ. Tại thủ đô Washington, nhiều người biểu tình đã tập trung gần khu vực Nhà Trắng, nơi đã bị phong tỏa trong thời gian ngắn tối ngày 29/05.
Để ứng phó với tình hình, các đơn vị quân cảnh sẵn sàng cho tình huống được điều động tới thành phố Minneapolis. Ảnh minh họa: Reuters |
Tại thành phố Minneapolis, nơi diễn ra vụ sát hại ông George Floyd, quan chức cấp cao lực lượng vệ binh quốc gia bang Minnesota, Tướng Jon Jensen cho biết sẽ huy động tổng lực 2.500 vệ binh quốc gia để tham gia bảo đảm an ninh. Tướng Jensen cho biết đây là lần huy động tổng lực vệ binh quốc gia của bang đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tướng Jensen cũng thông tin bang Minnesota cũng đang kêu gọi thêm các nguồn lực cấp quốc gia và bản thân ông đã có các cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Hàng trăm người biểu tình đã bị bắt giữ ở nhiều thành phố khác ở Mỹ bao gồm New York, Oakland, Chicago, Los Angeles và Atlanta. Một số thành phố đã áp dụng lệnh giới nghiêm và cho phép huy động lực lượng vệ binh quốc gia để đối phó với các cuộc biểu tình đang trở nên bạo lực hơn. Tình hình biểu tình được dự báo sẽ tiếp tục trong các ngày cuối tuần và có thể còn lan rộng ở Mỹ./.