Hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu cản trở kế hoạch cắt giảm vũ khí Nga-Mỹ

Các quan chức Mỹ đã nhiều lần thúc giục Nga tiếp tục thảo luận về việc cắt giảm vũ khí, bao gồm cả vũ khí thông thường sau khi hai nước phê chuẩn một Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) vào năm 2011. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga mới đây cho biết, Nga sẽ không bắt đầu một vòng đàm phán mới về cắt giảm vũ khí cho tới khi Washington thay đổi lập trường của mình về việc triển khai phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu.

Vấn đề phòng thủ tên lửa là trở ngại chính đối với việc “tái lập” các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ (Ảnh: Ria)
Grigory Berdennikov - đặc phái viên của Nga tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho hay: “Để có sự tiến triển về vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân và thông thường, chúng ta nên thực thi các Hiệp định hiện hành, đặc biệt là theo khuôn khổ của Hiệp ước START mới. Nhưng bằng cách nào để đạt được tiến triển nếu Mỹ từ chối hạn chế mở rộng các hệ thống phòng thủ tên lửa?”.

Vấn đề phòng thủ tên lửa là trở ngại chính đối với việc “tái lập” các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Nga luôn giữ quan điểm phản đối kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ gần biên giới của Nga vì cho rằng điều này đe dọa tới an ninh quốc gia của mình. Trong khi đó, Mỹ và NATO khẳng định lá chắn tên lửa của Mỹ là nhằm bảo vệ các thành viên của NATO khỏi tên lửa của Triều Tiên và Iran chứ không phải nhắm vào Nga.

Nga tuyên bố cần có sự bảo đảm pháp lý từ Mỹ rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu sẽ không nhằm vào các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Nga cho rằng sẽ không thể có sự tiến triển trong các cuộc đàm phán với Mỹ nếu không có quan điểm rõ ràng từ phía Mỹ về vấn đề phòng thủ tên lửa.

"Chúng tôi hy vọng rằng, Mỹ sẽ thay đổi lập trường của họ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa. Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì khác trong khi không có sự cam kết rõ ràng về các vấn đề phòng thủ tên lửa", ông Berdennikov nói.

Nhóm 5 quốc gia hạt nhân (P5) đã nhóm họp từ ngày 27 - 29/6 tại Mỹ để tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến vấn đề không phổ biến hạt nhân, sử dụng an toàn năng lượng hạt nhân và giải giáp hạt nhân, bao gồm xây dựng lòng tin, tính minh bạch và kinh nghiệm kiểm soát./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên