5 lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới từ cổ chí kim

VOV.VN - Hải quân mạnh góp phần bảo vệ cả một nền văn minh và mở rộng ảnh hưởng quốc gia. Dưới đây là 5 hải quân được coi là mạnh nhất từ cổ đại tới hiện đại.

Lịch sử nhân loại trong 3.000 năm qua đã chứng kiến sự xuất hiện của vô số lực lượng hải quân. Những lực lượng thủy quân này được xây dựng bởi các quốc gia biển hoặc những nước muốn mở rộng sức mạnh trên biển, đảm bảo an ninh và bành trướng ảnh hưởng quốc gia.

Việc xác định lực lượng hải quân mạnh nhất trong mỗi thời kỳ của lịch sử nhân loại đều chỉ mang tính tương đối. Chẳng hạn, hải quân Hy Lạp thời cổ đại không thể sánh được về sức mạnh với hải quân Mỹ thời hiện đại của Chuẩn Đô đốc Samuel Eliot Morison. Tuy nhiên các lực lượng hải quân này đều có đóng góp lớn vào an ninh của nước mình và đều là lực lượng trên biển hùng mạnh trong thời của mình, góp phần hình thành lên thế giới.

Hải quân Hy Lạp trong trận Salamis

Chiến hạm cổ 3 tầng chèo. Ảnh minh họa: www.moddb.com.

Hải quân Hy Lạp tại thời điểm Ba Tư tiến hành cuộc xâm lược Hy Lạp lần 2 (năm 480 trước Công nguyên) không phải là lực lượng hải quân lớn nhất đương thời. Thế nhưng hải quân Hy Lạp đã đánh bại hải quân Ba Tư. Nhờ chiến thắng này mà Hy Lạp đã giúp bảo tồn văn minh phương Tây trước sức mạnh của đế chế Ba Tư khi ấy.

Vốn là một cường quốc, đế chế Ba Tư đã tạo ra một lực lượng hải quân mạnh từ chính các quốc gia biển bị nó chinh phục. Lực lượng đa quốc gia này bao gồm người Phoenicia, Ai Cập, Cypriot và các thủy thủ đến từ nhiều vùng của Hy Lạp và Tiểu Á. Hạm đội Ba Tư có 1.207 chiếm hạm 3 tầng chèo. Trước khi bước vào trận Salamis lịch sử, hạm đội này mất khoảng 250 chiến hạm do bão lốc và các trận đụng độ nhỏ ở Artemisium.

Trong khi đó, người Hy Lạp (do người Athens và người Sparta lãnh đạo) đã tập hợp được một lực lượng gồm 381 chiến hạm 3 tầng chèo. Mặc dù bị áp đảo về số lượng với tỷ lệ 2:1, hải quân Hy Lạp trong trận hải chiến Salamis vẫn gây thiệt hại nặng nề cho phía Ba Tư khiến cho hải quân Ba Tư phải tháo chạy.

Đại thắng của hải quân Hy Lạp tại Salamis kéo theo 2 kết quả lớn. Thứ nhất, hải quân Hy Lạp đã bảo vệ được sườn phía biển cho các lực lượng lục quân Hy Lạp, ngăn ngừa vua Ba Tư Xerxes vu hồi họ bằng một cuộc đổ bộ từ biển. Thứ hai, các tổn thất của Ba Tư trong trận hải chiến này lớn đến mức vua Xerxes phải hạ lệnh rút lui hải quân và cuộc xâm lược Hy Lạp do Ba Tư tiến hành buộc phải chấm dứt.

Hải quân Trung Quốc năm 1433

Tàu cổ của Trung Quốc. Ảnh: www.paddleducks.co.uk.

Hải quân Trung Quốc thế kỷ 15 có thể coi là lực lượng trên biển hùng mạnh nhất thế giới khi đó. Dưới sự chỉ huy của đô đốc Trịnh Hòa, hải quân Trung Quốc đã thực hiện 7 cuộc hành trình ở Ấn Độ Dương và xung quanh đại dương này.

Nhà Minh khi đó theo đuổi đường lối hướng ngoại, tìm cách chiếm các tuyến thương mại để nhập các xa xỉ phẩm và nguyên liệu cho một nước Trung Hoa đang lớn mạnh. Kỹ thuật hải quân của Trung Quốc khi đó có lẽ là tiên tiến nhất thế giới. Công nghệ đóng tàu của Trung Quốc  – như là các tàu có 3 đến 4 cột buồm, có thể đi trước châu Âu tới 1.000 năm.

Hạm đội Trung Quốc thực hiện cuộc viễn chinh đầu tiên với quy mô rất lớn, có tới 317 tàu. Sáu mươi tàu trong số này có tên gọi là “tàu châu báu” có độ dài 122m, độ rộng gần 49m, và 12 cánh buồm.

Các chuyến đi biển của hạm đội này bao gồm hải trình tới Đông Nam Á, Ấn Độ, Mũi châu Phi, vịnh Ba Tư – tất thảy đều rất hoành tráng.

Lục đục nội bộ đã đặt dấu chấm hết cho triều Minh và các cuộc viễn chinh của lực lượng hải quân nước này. Trung Quốc không bao giờ sở hữu trở lại một hạm đội hùng mạnh như thế nữa.

Hải quân Hoàng gia Anh từ năm 1815 đến 1918

Chiến hạm Hoàng gia Anh. Ảnh: naval-history.net.

Sau khi các cuộc chinh phạt của Napoleon ở châu Âu chấm dứt, lực lượng hải quân Hoàng gia Anh trở thành lớn nhất, mạnh nhất trên thế giới. Với tư cách là hải quân của một đảo quốc, Hải quân Hoàng gia Anh đóng vai trò thiết yếu trong việc giành và giữ các tuyến hàng hải đi tới các thuộc địa xa xôi của nước Anh, đặc biệt là ở châu Mỹ, Ấn Độ và châu Phi.

Quá trình này ứng với thời kỳ có tên gọi là “Hòa bình Anh quốc”, một thời kỳ tương đối yên bình trên thế giới. Quy mô trung bình của Hải quân Anh trong thế kỷ 19 chỉ là 52.000 người, thế nhưng lực lượng này lại đóng vai trò lớn hơn thế nhiều trong việc ngăn ngừa xung đột trên quy mô lớn.

Hải quân Anh duy trì sức mạnh so sánh của mình thông qua “tiêu chuẩn 2 sức mạnh”, mà theo đó hải quân Anh tự đặt ra yêu cầu phải mạnh bằng 2 lực lượng hải quân lớn nhất kế tiếp cộng lại. Ưu thế áp đảo như thế sẽ có sức răn đe đối với các thế lực khác muốn thách thức London và đe dọa phá thế cân bằng quyền lực tổng thể.

Ngoài cuộc chiến Crimea (thế kỷ 19) mà trong đó Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga bị hủy diệt chóng vánh, hải quân Anh còn tham gia một số cuộc chiến và trận đánh khác.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản 1941

Hình một khu trục hạm của hải quân Đế quốc Nhật Bản. Ảnh: mypapercraft.net.

Tại khu vực Thái Bình Dương vào đầu Thế chiến 2, lực lượng hải quân Đế quốc Nhật Bản (IJN) là lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Nhật Bản, cũng giống như vương quốc Anh, là một đảo quốc buộc phải nhập dầu và các nguyên liệu thô khác từ nước ngoài. Điểm yếu này khiến Nhật Bản phải chú tâm xây dựng một lực lượng hải quân lớn để duy trì các tuyến hàng hải của mình và, nếu cần thiết sẽ giành lấy các nguồn tài nguyên đó cho mình.

Đầu Chiến tranh Thế giới thứ 2, Nhật Bản có tới 10 tàu sân bay, với 1.500 phi công nằm trong số các phi công hàng không mẫu hạm xuất sắc nhất thế giới. Nước này có 12 đại chiến hạm, bao gồm tàu lớp Nagato, và nhiều tuần dương hạm, khu trục hạm và tàu ngầm hiện đại. Nhật Bản cũng sở hữu máy bay tiêm kích tốt nhất cất cánh từ tàu sân bay, là máy bay Zerosen, cùng các oanh tạc cơ lợi hại.

Hải quân Đế quốc Nhật Bản được trang bị hùng hậu và huấn luyện kỹ càng. Các chiến thắng của họ tại Malaya, Trân Châu cảng, và quần đảo Solomon chứng thực cho điều này. Tuy nhiên một loạt các quyết định sai lầm của ban lãnh đạo hải quân Nhật Bản đã ấn định số phận của lực lượng này. Mặc dù chỉ nắm thế thượng phong trong thời gian ngắn ngủi, lực lượng Hải quân Nhật Bản năm 1941 vẫn có thể xem là một trong các lực lượng hải quân hùng mạnh nhất qua mọi thời đại.

Hải quân Mỹ 1945

Một tàu sân bay của hải quân Mỹ. Ảnh: Telegraph.

Lực lượng Hải quân Mỹ trỗi dậy vào năm 1945 với tư cách là kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh diễn ra ở hai đại dương, khi Mỹ tham gia vào hai chiến dịch rất khác biệt ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.

Trên mặt trận Thái Bình Dương, người Mỹ đã làm đảo lộn mọi thành quả của người Nhật ở những nơi từ Philippines cho tới Solomons. Trên mặt trận Đại Tây Dương, hải quân Mỹ chịu trách nhiệm chính về việc giảm nhẹ các mối đe dọa từ tàu ngầm U-boat của Đức Quốc xã, đồng thời họ cũng thực hiện các cuộc xâm chiếm Bắc Phi, Italy và Pháp.

Sau trận Trân Châu cảng, ngành công nghiệp đóng tàu Mỹ phát triển nhanh chóng để thay thế các tàu chiến Mỹ bị phát xít Nhật phá hủy, đồng thời chuẩn bị lực lượng cho Mỹ tham gia vào Thế chiến 2.

Số lượng tàu của hải quân Mỹ tăng vọt từ 790 vào tháng 12/1941 lên 6.768 chiếc vào tháng 8/1945. Số lượng chiến hạm cỡ lớn tăng từ 17 lên 23, tàu sân bay từ 7 lên 28, khu trục hạm từ 171 lên 377, và tàu ngầm từ 112 lên 232.

Khoảng 71 tàu sân bay cỡ nhỏ và 2.547 tàu đổ bộ sau đó đã hỗ trợ đắc lực cho hải quân Mỹ trên biển. Lúc đó hải quân Mỹ còn có lực lượng đánh bộ, gồm 6 sư đoàn thủy quân lục chiến và 5 đơn vị không quân thủy quân tác chiến từ Guadalcanal cho tới Okinawa.

Với sức mạnh tăng cường như thế này, Hải quân Mỹ sau năm 1942 đã không thua một trận hải chiến nào nữa. Hải quân phát xít Nhật bị đẩy lùi ra xa mãi, cho đến khi người Nhật chịu đầu hàng vào tháng 8/1945 – thời điểm hải quân Mỹ trở thành lực lượng hùng mạnh nhất thế giới./.

(Bài viết thể hiện góc nhìn của cây bút Kyle Mizokami sống ở San Franciso, Mỹ)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2
Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2

(VOV) - Quân đội Liên Xô và phát xít Đức đã tung ra những lực lượng tinh nhuệ nhất cho trận đọ sức một mất một còn.

Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2

Trận quyết đấu Stalingrad - bước ngoặt của Thế chiến 2

(VOV) - Quân đội Liên Xô và phát xít Đức đã tung ra những lực lượng tinh nhuệ nhất cho trận đọ sức một mất một còn.

Hé lộ những góc khuất về phi công cảm tử Thần Phong
Hé lộ những góc khuất về phi công cảm tử Thần Phong

VOV.VN - Sự thật về phi công Thần Phong (Kamikaze) được hé lộ qua những người sống sót. Tuy là quân phát xít, họ khác biệt nhiều với những kẻ đánh bom tự sát ngày nay.

Hé lộ những góc khuất về phi công cảm tử Thần Phong

Hé lộ những góc khuất về phi công cảm tử Thần Phong

VOV.VN - Sự thật về phi công Thần Phong (Kamikaze) được hé lộ qua những người sống sót. Tuy là quân phát xít, họ khác biệt nhiều với những kẻ đánh bom tự sát ngày nay.

6 lực lượng lục quân hùng mạnh nhất thế giới qua mọi thời đại
6 lực lượng lục quân hùng mạnh nhất thế giới qua mọi thời đại

VOV.VN - Hai nhà báo Mỹ xếp lục quân La Mã, Mông Cổ, Ottoman, Đức Quốc xã, Liên Xô, và Mỹ vào nhóm quân đội hàng đầu thế giới từ cổ chí kim.

6 lực lượng lục quân hùng mạnh nhất thế giới qua mọi thời đại

6 lực lượng lục quân hùng mạnh nhất thế giới qua mọi thời đại

VOV.VN - Hai nhà báo Mỹ xếp lục quân La Mã, Mông Cổ, Ottoman, Đức Quốc xã, Liên Xô, và Mỹ vào nhóm quân đội hàng đầu thế giới từ cổ chí kim.

Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”
Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”

VOV.VN - Dù đã to và mạnh hơn trước nhiều, quân đội và hải quân Trung Quốc vẫn chỉ là lực lượng tầm ngắn và chỉ có ưu thế khi ở gần lãnh thổ nước này.

Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”

Báo Mỹ: “Quân đội Trung Quốc chỉ là một con rồng giấy”

VOV.VN - Dù đã to và mạnh hơn trước nhiều, quân đội và hải quân Trung Quốc vẫn chỉ là lực lượng tầm ngắn và chỉ có ưu thế khi ở gần lãnh thổ nước này.