5 phi công hạng ace của Đức Quốc xã bị Hồng quân Liên Xô bắn rơi
VOV.VN - Các phi công hạng ace này của phát xít Đức gây nhiều tổn thất cho Hồng quân trong Thế chiến II. Hạng ace có nghĩa là đã bắn hạ được tối thiểu 5 máy bay đối phương. Không quân Liên Xô đã phải nỗ lực săn đuổi và bắn rơi các đối tượng này.
1. Phi công ace Max-Hellmuth Ostermann (bắn hạ được 101 máy bay đối phương)
Oberleutnant Max-Hellmuth Ostermann, chỉ huy phi đoàn số 7 của không đoàn tiêm kích 54 Grünherz được xem là một trong các phi công cừ nhất của không quân phát xít Đức. Đến mùa hè năm 1942, y đã hạ được trên 100 máy bay đối phương.
Sự nghiệp thành công này của viên phi công hạng ace của Đức đã phải dừng lại khi Arkady Sukov thuộc trung đoàn tiêm kích số 41 của Hồng quân điều khiển chiếc tiêm kích LaGG-3 để nghênh chiến với y.
Trong trận không chiến vào ngày 9/8/1942 phía trên hồ Ilmen ở Tây Bắc Liên Xô, Sukov đã bắn hạ chiếc máy bay Messerschmitt Bf.109F do Ostermann lái. Sau đó, chiếc máy bay Đức lao đầu xuồng hồ và chìm nghỉm. Một số dữ liệu khác thì cho rằng máy bay rơi xuống một cánh rừng.
2. Rudolf Müller (hạ được 92 máy bay đối phương)
Oberfeldwebel Rudolf Müller thuộc phi đoàn tiêm kích số 5 Eismeer đã gây đau đầu cho không quân Liên Xô ở vùng Bắc cực. Y khá hiệu quả trong việc bắn hạ các máy bay tiêm kích Hurricane được Anh cung cấp cho Liên Xô.
Cuối cùng, Hồng quân quyết săn bằng được viên phi công Đức này. Vào ngày 19/4/1943, trong trận không chiến ở khu vực sân bay Vaenga gần Murmansk, Đại úy Pyotr Sgibnev - chỉ huy trung đoàn tiêm kích Cận vệ số 2 thuộc lực lượng không quân của Hạm đội phương Bắc, cùng với Trung úy Nikolai Boky đã điều khiển chiếc P-39 Airacobra để bắn rơi chiếc Bf-109G-2 của Müller.
Viên phi công Đức xoay sở hạ cánh chiếc máy bay bị thương và nỗ lực trốn sang Na Uy, nhưng rốt cuộc vẫn bị bắt. Không rõ số phận của y sau này nhưng theo một số dữ liệu, anh ta đã tử vong khi cố gắng thoát khỏi ra thoát khỏi trại tù binh ở Mordovia vào tháng 10 năm đó.
3. Helmut Grollmus (hạ được 75 máy bay đối phương)
Ngày 19/6/1944, 8 chiếc tiêm kích Fw-190A thuộc phi đoàn tiêm kích 54 hộ tống máy bay ném bom Ju-87 tiến hành oanh kích tàu thuộc Hạm đội Baltic của Liên Xô. Máy bay La-5FN thuộc trung đoàn tiêm kích Cận vệ số 3 của Hồng quân cất cánh để đánh chặn toán máy bay Đức.
Trong quá trình không chiến diễn ra cách không xa thành phố Vyborg, Thượng úy Alexander Potemkin đã bắn rơi chiếc máy bay do phi công hạng ace của Đức là Helmut Grollmus điều khiển. Viên phi công bung dù để thoát hiểm nhưng ngay sau đó đã tử trận do trúng hỏa lực từ mặt đất.
4. Horst Ademeit (hạ được 166 máy bay đối phương)
Vào ngày 8/8/1944, Hauptmann Horst Ademeit - chỉ huy của nhóm 1 thuộc phi đoàn Grünherz sử dụng chiếc tiêm kích ‘Focke-Wulf’ FW-190A-5 để truy kích máy bay cường kích Il-2 ở Đông Latvia. Tại không phận thành phố Daugavpils, viên phi công Đức vấp phải hỏa lực phòng không dữ dội của Hồng quân.
Sau đó người ta không rõ số phận của Ademeit nữa. Tại Đức, y được tuyên bố là đã chết và được truy phong lên cấp Thiếu tá.
5. Otto Kittel (hạ được 267 máy bay đối phương)
Oberleutnant Otto Kittel cũng thuộc phi đoàn Grünherz của không quân phát xít Đức đã bắn rơi tới 267 máy bay đối phương trong chiến tranh, khiến y đứng ở vị trí thứ 4 về độ hiệu quả trong số các phi công ace của không quân Đệ tam Đế chế. Mùa đông năm 1945, y chiến đấu tại vùng Túi Courland ở Tây Latvia, nơi các lực lượng thuộc Cụm tập đoàn quân phía Bắc của Đức đã bị cô lập với lực lượng chủ lực kể từ tháng 10/1944.
Vào ngày 14/2/1945, Kittel bay tới khu vực thành phố Tukums trên cương vị người đứng đầu phi đoàn FW-190A-5. Tại đây y chạm trán với một nhóm 8 máy bay cường kích Il-2. Phi công Đức bắn rơi một máy bay Lên Xô, sau đó máy bay của y cũng đột nhiên bắt lửa, chòng chành rồi lao đầu xuống mặt đất và nổ tung.
Một giả thuyết là máy bay của Kittel trúng đạn từ một trong các máy bay Il-2. Giả thuyết khác cho rằng súng cao xạ Liên Xô đã hạ gục máy bay của Kittel.
Xem thêm:
>> Phi công Mỹ không chiến dữ dội với tiêm kích MiG của Triều Tiên
>> Phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội tả xung hữu đột với máy bay Mỹ
>> Trận không chiến nảy lửa giữa phi công Nguyễn Văn Bảy và không quân Mỹ
>> Chiến thuật không chiến xuất sắc của phi công Đức Oswald Boelcke