5 xạ thủ bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô bắn gục gần 3.000 lính địch trong Thế chiến II
VOV.VN - Với tài năng và lòng quyết tâm của mình, 5 chiến sĩ bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô đã bắn gục được tổng cộng gần 3.000 tên lính địch trong Thế chiến II và trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù.
1- Mikhail Surkov
Tay súng bắn tỉa Mikhail Surkov được xếp đầu bảng các tay súng sát thủ hàng đầu của Hồng quân Liên Xô. Anh tiêu diệt được 702 lính đối phương. Trong các trận chiến mùa hè và mùa thu năm 1942 ở miền đông Ukraine và vùng Bắc Kavkaz, "thợ săn Siberia" này đã trừ khử trung bình 160 binh lính và sĩ quan phát xít trong mỗi tháng.
Ngoài chiến đấu ở cự ly xa, Surkov còn làm tốt cả nhiệm vụ cận chiến. Vào ngày 30/11/1942, trong trận đánh gần ngôi làng Ardon ở vùng Ossetia, anh đã đột nhập vào một boong-ke địch và dùng dao găm đâm chết 3 tên địch.
Sau khi bị thương vào cùng ngày hôm đó, Thiếu úy Surkov đã được cho giải ngũ.
Lập được chiến công lớn nhưng anh không bao giờ được tặng thưởng danh hiệu cao nhất của Liên Xô - Anh hùng Liên Xô. Vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao. Một lý do hay được dư luận nêu lên là anh hay nói năng kiểu thô ráp, thiếu tôn trọng với cấp trên.
2- Vladimir Salbiev
Salbiev thu được kinh nghiệm chiến trường trong hoàn cảnh khắc nghiệt: Tham gia bảo vệ Leningrad và Stalingrad, rồi giải phóng Ukraine. Anh đã 3 lần bị thương và 4 lần bị sốc vì đạn pháo. Mảnh đạn găm vào đầu anh ở Kharkov vào tháng 3/1943 vẫn nằm lại trong cơ thể Salbiev đến cuối đời.
Salbiev là xạ thủ xuất sắc nhất của Phương diện quân Ukraine số 1. Anh tiêu diệt 601 binh lính và sĩ quan đối phương. Ngoài ra, anh còn huấn luyện một số đơn vị bắn tỉa có thành tích hàng đầu.
Với thành tích xuất sắc như trên, Salbiev nhận hơn 20 phần thưởng. Nhưng giống như Surkov, vì một lý do nào đó chưa rõ, anh không được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Nhưng đến phút chót, anh được tặng Huân chương Cờ Đỏ thứ hai.
3- Vasily Kvachantiradze
Kvachantiradze giết được 534 lính và sĩ quan địch. Kvachantiradze được đánh giá là giỏi nhất trong kỹ năng dự đoán hành vi của địch.
Kvachantiradze tác chiến độc lập hoặc theo cặp. Có dịp, đồng đội của anh là tay súng bắn tỉa nổi tiếng khác - Kuzma Smolensky (hạ được 414 tên địch). Một lần nọ, cặp đôi này bị phát hiện phía sau phòng tuyến địch. Giao chiến công khai, cặp đôi này đã tiêu diệt gọn 2 đội bắn súng của địch và bắn hạ được hơn 30 lính Đức trước khi họ rút về tuyến sau.
Kvachantiradze suýt không được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Vào ngày 9/7/1943, Bộ chỉ huy Tập đoàn quân số 43 đề cử anh nhận danh hiệu này nhưng Bộ chỉ huy Phương diện quân Kalinin chỉ phê chuẩn phần thưởng Huân chương Lenin. Nhưng cuối cùng, xạ thủ này vẫn nhận được danh hiệu xứng đáng vào ngày 24/3/1945.
4- Akhat Akhmetyanov
Là giáo viên trường làng, Akhmetyanov sau khi gia nhập quân ngũ đã tiêu diệt được 502 lính địch. Anh ghi lại tỉ mỉ chiến tích của mình trong một cuốn sổ tay cá nhân mà anh đặt tên là "sổ trả thù".
Tư duy chiến thuật của Akhmetyanov như sau: "Làm điều mà đối phương nghĩ là bất khả thi. Hãy thường xuyên đặt mình vào vị trí của hắn. Hãy học từ kẻ thù!". Anh đã truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm của mình cho 200 xạ thủ bắn tỉa.
Năm 1944, sau khi bị thương ở bụng, Akhmetyanov được cho xuất ngũ. Anh lại vui vẻ quay về với nghề dạy học.
5- Ivan Sidorenko
Trung úy Sidorenko bắt đầu chiến đấu chống lại Đức Quốc xã với tư cách là chỉ huy một đại đội súng cối. Sau khi buộc phải dùng đến súng trường trong các trận chiến ở vùng Smolensk vào đầu năm 1942, anh nhận ra năng khiếu tác xạ của mình.
Cấp trên quyết định chuyển Sidorenko sang đơn vị bắn tỉa. Điều này là hoàn toàn đúng đắn. Sidorenko đã tiêu diệt xấp xỉ 500 quân thù, đồng thời huấn luyện được 250 tay súng bắn tỉa. Anh dạy những người mới bắt đầu về cách bố trí mai phục và nhận diện các thói quen của địch như phương tiện ngụy trang, lối đi, nơi ẩn náu.
Vào ngày 4/6/1944, Sidorenko được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô để ghi nhận thành tích chiến đấu xuất sắc trên mặt trận chống quân phát xít Đức xâm lược cũng như tinh thần quả cảm và chủ nghĩa anh hùng của anh trong chiến đấu./.