8 sự kiện lịch sử dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất
VOV.VN - Theo History, chủ nghĩa đế quốc, lòng tự hào dân tộc và liên minh giữa các quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra những căng thẳng có thể bùng phát thành chiến tranh.
Chiến tranh thế giới thứ nhất, kéo dài từ năm 1914-1918, là một trong những cuộc tàn sát kinh hoàng nhất mà thế giới từng chứng kiến, với hơn 16 triệu quân nhân và người dân thiệt mạng.
Chiến tranh thế giới thứ nhất làm thay đổi hoàn toàn bản đồ chính trị thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của các đế quốc như Áo-Hung, Ottoman và Nga, vốn đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và hình thành các quốc gia mới thay thế. Sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, tình trạng hỗn loạn chính trị và biến động xã hội vẫn tiếp diễn, dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu khác, thậm chí còn lớn và nghiêm trọng hơn trong 2 thập kỷ sau đó.
Sự kiện gây ra Thế chiến thứ nhất là vụ ám sát người thừa kế của đế quốc Áo-Hung, Archduke Franz Ferdinand, vào năm 1914. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng, Chiến tranh thế giới thứ nhất là đỉnh điểm của một chuỗi các sự kiện, kéo dài từ cuối những năm 1800. Các sự kiện dẫn đến chiến tranh bao gồm rất nhiều tính toán và hành động sai lầm dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
Theo History, dưới đây là 8 sự kiện lịch sử dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất.
1. Liên minh Pháp-Nga (năm 1894)
Cả Nga và Pháp, thua cuộc trong Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870-1871, đều lo sợ sức mạnh đang trỗi dậy của Đức, vốn đã liên minh với Áo-Hungary và Italy. Bởi vậy, 2 quốc gia quyết định hợp lực để bảo vệ lẫn nhau. Đó là sự khởi đầu của Triple Entente (Đồng minh ba bên) trong Thế chiến thứ nhất.
“Theo suy nghĩ của tôi, chính sự hợp sức của Đồng minh ba bên tham gia theo từng giai đoạn, Liên minh Pháp-Nga năm 1894, Liên minh Anh-Pháp năm 1904 và Hiệp ước Anh-Nga năm 1907, thực sự củng cố hệ thống các thỏa thuận ngoại giao đã hình thành nên các khối đối lập gây ra chiến tranh vào năm 1914”, Richard S. Forgarty, Phó Giáo sư lịch sử tại Đại học Albany (Mỹ) giải thích. “Hệ thống liên minh đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cuộc chiến và thậm chí thúc đẩy cuộc chiến khi tạo ra kỳ vọng về sự ganh đua và cạnh tranh quốc tế”, ông Forgarty nói thêm.
2. Luật Hải quân đầu tiên của Đức (năm 1898)
Đạo luật này, được ủng hộ bởi Bộ trưởng Hải quân Đế quốc Đức, Đô đốc Alfred von Tirpitz, đã mở rộng đáng kể quy mô hạm đội chiến đấu của Đức. Trong đó, Đô đốc Alfred von Tirpitz cam kết xây dựng một hải quân có khả năng cạnh tranh với Hải quân Hoàng gia Anh.
“Ông Tirpitz buộc Anh tham gia liên minh với Đức theo điều kiện của Đức”, Eugene Beiriger, Phó Giáo sư nghiên cứu về lịch sử, hòa bình, công lý và xung đột tại Đại học DePaul (Mỹ) cho biết. Trong khi đó, người Anh phản ứng bằng cách đóng nhiều tàu hơn và chấm dứt chính sách “cô lập vinh quang” vào cuối những năm 1880 để thành lập liên minh với Nhật Bản, Pháp và Nga.
“Luật Hải quân của Đức đã tạo ra những hậu quả không mong muốn. Cuối cùng họ đã xa lánh cả chính phủ và công chúng của Anh trước chiến tranh”, ông Beiriger viết trong một email.
3. Chiến tranh Nga-Nhật (năm 1904-1905)
Sa hoàng Nicholas II muốn có một cảng cho phép hải quân và tàu thương mại của ông tiếp cận Thái Bình Dương. Nhật coi sự gây hấn ngày càng tăng của Nga là một mối đe dọa và đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào hạm đội của Sa hoàng Nicholas II tại Cảng Arthur. Cuộc chiến tranh, diễn ra cả trên biển và trên bộ, đã kết thúc với chiến thắng thuộc về Nhật. Ông Beiriger lưu ý rằng, cuộc chiến tranh đã giúp thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu.
Các đồng minh của Nga là Pháp và Anh, vốn là đồng minh với Nhật Bản, đã ký thỏa thuận riêng vào năm 1904 để tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến. Sau đó, Pháp đã thuyết phục Nga tham gia liên minh với Anh, đặt nền móng cho liên minh trong Thế chiến thứ nhất.
4. Áo-Hungary sáp nhập Bosnia và Herzegovina (năm 1908)
Theo một hiệp ước năm 1878, Áo-Hung đang cai trị Bosnia và Herzegovina, mặc dù mặt kỹ thuật, họ vẫn là một phần của đế chế Ottoman. Tuy nhiên, sau khi chính phủ Áo-Hung sáp nhập lãnh thổ của họ, động thái này đã vấp phải sự phản đối. Hai tỉnh có dân số chủ yếu là người Slav muốn có đất nước riêng của họ, trong khi người Slav ở gần Serbia có tham vọng chiếm đoạt các tỉnh.
“Trong các đế chế đa sắc tộc, lòng tự hào dân tộc đã thúc đẩy sự phản kháng đối với những người thống trị. Căng thẳng tăng lên ở vùng Balkan, nơi những người Slav chống lại sự thống trị của Áo-Hung”, Doran Cart, người phụ trách Bảo tàng và Đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ nhất cho biết. Ngoài ra, động thái này đã đưa Nga, nước tự coi mình là người bảo vệ của Serbia, tiến tới một cuộc đối đầu với đế quốc Áo-Hung.
5. Cuộc khủng hoảng Ma-rốc thứ hai (năm 1911)
Pháp và Đức đã tấn công Ma-rốc trong nhiều năm, nơi Hoàng đế Kaiser Wilhelm II của Đức can thiệp vào việc gây áp lực với liên minh Pháp-Anh. Trong Cuộc khủng hoảng Ma-rốc lần thứ nhất năm 1905, Hoàng đế Kaiser Wilhelm II đi thuyền đến Tangiers để bày tỏ sự ủng hộ đối với Quốc vương Ma-rốc nhằm chống lại các lợi ích của Pháp. Tuy nhiên, thay vì lùi bước trước cuộc xung đột, Anh lại ủng hộ Pháp.
Trong Cuộc khủng hoảng Ma-rốc thứ hai vào năm 1911, Ngoại trưởng Đức Alfred von Kiderlen-Wächter đã gửi một tàu tuần dương hải quân đến neo đậu tại một bến cảng trên bờ biển Ma-rốc, để phản ứng với một cuộc nổi dậy của bộ lạc mà Đức cho rằng đang được Pháp hậu thuẫn với lý do giành lấy đất nước. Một lần nữa, Anh lại ủng hộ Pháp. Cuối cùng, Đức buộc phải đồng ý công nhận một chế độ bảo hộ của Pháp ở Ma-rốc. Hai cuộc khủng hoảng đã đưa Anh và Pháp xích lại gần nhau hơn và thúc đẩy một cuộc đối đầu với Đức.
6. Italy xâm lược Libya (năm 1911)
Nhà nước Italy thời hiện đại, kể từ năm 1861, “phần lớn bị gạt ra khỏi cuộc tranh giành đã xây dựng Anh, Pháp và các cường quốc khác thành các đế chế trên toàn thế giới”, Phó Giáo sư Forgarty giải thích.
Chính phủ Italy đã nhắm mục tiêu vào Libya, một quốc gia Bắc Phi chưa bị một cường quốc Tây Âu nào tuyên bố chủ quyền, và quyết định lấy nó từ đế chế Ottoman. Chiến tranh Italy-Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình, nhưng quân đội Ottoman đã rời Libya và cho Italy làm thuộc địa. Đây là cuộc xung đột quân sự đầu tiên có ném bom trên không, nhưng ý nghĩa thực sự là nhằm phơi bày sự lung lay của đế chế Ottoman và sự kiểm soát lỏng lẻo đối với các lãnh thổ hải ngoại. Đó là một trong những yếu tố dẫn đến Thế chiến thứ nhất, mà ông Forgarty cho là “cuộc chiến của các đế chế, một số đang mở rộng hoặc tìm cách bành trướng, một số muốn giữ lấy những gì họ có, một số khác không muốn mất những gì họ đã để lại”.
7. Các cuộc chiến tranh Balkan (năm 1912-1913)
Serbia, Bulgaria, Montenegro và Hy Lạp, những quốc gia đã tách khỏi đế chế Ottoman trong những năm 1800, đã thành lập một liên minh gọi là Liên đoàn Balkan. Liên minh này do Nga hậu thuẫn nhằm lấy đi nhiều hơn nữa lãnh thổ còn lại của Thổ Nhĩ Kỳ ở Balkan.
Trong Chiến tranh Balkan lần thứ nhất năm 1912, Serbia, Hy Lạp và Montenegro đã đánh bại các lực lượng Ottoman, và buộc họ phải đồng ý với một hiệp định đình chiến. Tuy nhiên, Liên đoàn Balkan nhanh chóng tan rã, và trong Chiến tranh Balkan lần thứ hai, Bulgaria đã chiến đấu với Hy Lạp và Serbia tại Macedonia, đồng thời đế quốc Ottoman và Romania cũng lao vào cuộc chiến chống lại Bulgaria.
Cuối cùng Bulgaria đã bị đánh bại. Các cuộc chiến tranh Balkan khiến khu vực này càng trở nên bất ổn hơn. Trong khoảng trống quyền lực do đế quốc Ottoman để lại, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Serbia và Áo-Hung. Điều này đã khiến đế quốc Áo-Hung và đồng minh của họ, Đức, quyết định rằng một cuộc chiến với Serbia là cần thiết vào một thời điểm nào đó để củng cố vị thế của Áo-Hung. “Nhiều nhà sử học coi các cuộc Chiến tranh Balkan là sự khởi đầu thực sự của Chiến tranh thế giới thứ nhất”, Phó Giáo sư Forgarty nói.
8. Vụ ám sát Thái tử Archduke Franz Ferdinand của Áo (năm 1914)
Archduke Franz Ferdinand, người thừa kế ngai vàng Áo-Hung, đã đến Sarajevo để kiểm tra quân đội đóng ở Bosnia và Herzegovina. Thái tử Ferdinand và vợ Sophie bị bắn chết trong xe hơi.
“Vụ ám sát làm nổi bật chủ nghĩa dân tộc đang kéo đế quốc Áo-Hung chia rẽ”, ông Forgarty nói.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa các cường quốc châu Âu ngày càng gia tăng, khi họ đứng về các bên khác nhau trong cuộc khủng hoảng. Theo History, vụ ám sát Thái tử Archduke đã đặt cả đế quốc Áo-Hung và Nga, vốn tự coi mình là người bảo vệ người Serbia, vào thế ràng buộc. Không bên nào trong số này muốn lùi bước và tỏ ra yếu thế. Lo sợ một cuộc chiến sẽ kéo theo Nga, Áo-Hung đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Đức. Đức cam kết sẽ ủng hộ nếu Áo-Hung sử dụng vũ lực chống lại người Serbia. Sự ủng hộ của Đức đã khuyến khích Áo-Hung tuyên chiến với Serbia vào ngày 28/7/1914.
Hai ngày sau, quân đội Nga được huy động và Đức nhận thấy rằng họ cũng đang ở trong thế bị ràng buộc. Đức không muốn chiến đấu với cả Nga và đồng minh của họ là Pháp trên hai mặt trận cùng một lúc, bởi vậy bắt buộc phải loại quân đội Pháp ra khỏi cuộc chiến trước khi Nga sẵn sàng chiến đấu. Đức tuyên chiến với Nga vào ngày 1/8/1914 và 2 ngày sau đó tuyên chiến với Pháp. Các lực lượng của Đức đã tập trung tại biên giới của Bỉ, nơi họ dự định sẽ vượt qua để xâm lược Pháp. Sau đó, Bỉ kêu gọi sự giúp đỡ, và vào ngày 4/8/1914, Anh tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra từ đó./.